Thời sự - Bình luận

Chủ tịch tỉnh đi dự giờ giáo viên đột xuất-câu chuyện đẹp giữa đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục đi dự giờ một giáo viên cấp trung học cơ sở có thể nói là rất hiếm trong thời điểm hiện nay.
Ngay sau khi ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Giám đốc Sở Giáo dục Nguyễn Tân đã có chuyến kiểm tra đột xuất và dự giờ tại một số trường học trên địa bàn thành phố Huế được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi của nhiều độc giả.
Những chuyến “vi hành” như thế này không chỉ là thể hiện sự quan tâm của một lãnh đạo đứng đầu tỉnh đối với ngành giáo dục mà qua những chuyến đi thực tế như thế này thì ông Thọ còn nắm được tình hình giáo dục của địa phương mình.
 
Ông Phan Ngọc Thọ và ông Nguyễn Tân dự giờ giáo viên đột xuất (Ảnh: Phan Ngọc Minh/ Báo Người Lao động)
Ông Phan Ngọc Thọ và ông Nguyễn Tân dự giờ là môn Giáo dục công dân lớp 9/7, trường Trung học cơ sở Trần Cao Vân (thành phố Huế) do thầy giáo Đỗ Tuấn Anh giảng dạy.
Tất nhiên là ở tiết dự giờ này không xếp loại, không đánh giá, không góp ý, chê bai mà dự để nắm tình hình. Một tiết dự giờ như mang tính tượng trưng nhưng mang đến một luồng gió mới cho ngành giáo dục Thừa Thiên- Huế.
Thực tế, chuyện Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục đi dự giờ một giáo viên cấp trung học cơ sở có thể nói là rất hiếm trong thời điểm hiện nay.
Bởi, người đứng đầu chính quyền và người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh còn nhiều việc lớn phải làm nữa. Nhưng, họ đã đến và dự giờ môn Giáo dục công dân- một môn học có một vị thế quan trọng trong bối cảnh hiện nay trước tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra ở nhiều nơi.
Chính vì vậy, sau khi dự giờ đột xuất thì ông đã có những chia sẻ rất đáng trân trọng với thầy và trò của nhà trường:
“Khi truyền đạt cho học sinh về truyền thống của người Việt Nam. Giáo viên cần đưa ra những câu chuyện nhỏ mang tính thực tiễn. Ví dụ như tên trường là Trần Cao Vân thì phải biết ông là ai, có lịch sử như thế nào”.
Vấn đề ông Phan Ngọc Thọ đặt ra ở đây không mới nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể làm thường xuyên với học sinh của mình.
Việc dự giờ đột xuất giáo viên của ông Phan Ngọc Thọ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên- Huế đối với ngành giáo dục tỉnh nhà.
Chúng ta thấy rằng đây chính là tấm lòng thực tâm của một lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp "trồng người" chứ không hề có chuyện đánh bóng tên tuổi như một số người đang làm trong thời gian qua.
Bởi ông Phan Ngọc Thọ, sinh năm 1963 thì cũng chỉ vài năm nữa là ông sẽ về hưu. Nhưng, điều mà chúng ta thấy được là một người đứng đầu một tỉnh mà còn có thời gian đi dự giờ giáo viên ở cơ sở.
Trong khi đó, đa phần những lãnh đạo từ cấp Phòng Giáo dục trở lên đã không còn thói quen đi dự giờ giáo viên trên địa bàn của mình quản lý. Nếu có thanh tra, kiểm tra cũng đều giao cho mấy giáo viên làm ở Hội đồng bộ môn làm công việc này.
Nhiều lãnh đạo Phòng, Sở xa dần thói quen gần gũi với cấp dưới của mình. Nhiều người khi đã là lãnh đạo chỉ còn một thói quen là chỉ đạo, hạch sách, chê bai giáo viên, ít có sự lắng nghe, chia sẻ những khó khăn mà người giáo viên đang đối mặt hàng ngày.
Chính vì thế đã làm cho khoảng cách lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Sở với giáo viên ngày một xa hơn. Mỗi khi mà có kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên môn là Ban giám hiệu nhà trường chạy nháo nhào để đôn đốc giáo viên chuẩn bị cho tốt.
Vẫn biết, một vài tiết dự giờ của người đứng đầu địa phương kết hợp với người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên- Huế không phải là một chuyện lớn nhưng đó là một câu chuyện lan tỏa về sự sâu sát của lãnh đạo với giáo viên cơ sở.
Khoảng cách của người thầy đứng lớp với những lãnh đạo của mình, giữa những em học sinh với lãnh đạo địa phương như đã xích lại gần hơn, nhân ái hơn. Những lãnh đạo có thể thấu hiểu được tình hình thực tế trong các nhà trường.
Thông qua câu chuyện của Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ đi dự giờ giáo viên, chúng tôi cũng mong rằng lãnh đạo một số địa phương cũng dành chút ít thời gian “vi hành” đến các đơn vị cơ sở của ngành giáo dục.
Trước khi đi, chẳng cần báo trước, chẳng cần gửi kế hoạch làm gì khiến cho các trường chuẩn bị kĩ càng quá sẽ thành lố bịch. Chỉ cần một vài lãnh đạo đi đến một trường nào đó rồi báo qua Ban giám hiệu là lên lớp dự giờ giáo viên xem thực tế thầy - trò đang dạy và học như thế nào.
Bây giờ, gần nhiều trường phổ thông đã có website nên thời khóa biểu được công khai trên đó. Trước lớp học đã có đề tên lớp rõ ràng nên lãnh đạo cứ đến trường, đến lớp mà mình đã "chấm trước" và có thể dự giờ các lớp học.
Nhật Duy (Giáo dục Viêt Nam)

Có thể bạn quan tâm