Thời sự - Bình luận

Chữ tình trong ngày gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi những ngày cuối năm đang hối hả về đích, thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều doanh nghiệp (DN), với tất cả sự đa dạng của tâm trạng NLĐ, tùy theo kết quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị nơi mình làm việc có khả quan không.

Làm ăn tốt hơn năm ngoái, hẳn thưởng sẽ cao hơn, song 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, nay mới bắt đầu hồi phục thì khoản thưởng Tết ắt sẽ ít đi nhưng ở mức nào, liệu có đủ để xoay xở cho cái Tết hay không là tâm trạng chung của nhiều NLĐ.

Thông tin trên các báo đài cho thấy nhiều DN vẫn giữ được nhịp độ phát triển, các chỉ tiêu quan trọng nhất về sản xuất - kinh doanh vẫn đạt được thì các khoản thưởng Tết được thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể; ngang bằng hoặc cao hay thấp hơn đôi chút do DN phải tính toán, cân đối. Các khoản thưởng được công bố không chỉ làm ấm lòng NLĐ tại DN mà người đọc cũng vui lây và nhiều nơi, đây là khoản thưởng đáng mơ ước của NLĐ.

Chẳng hạn với ngành dệt may, Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết qua nắm thông tin ban đầu, các DN phía Nam thuộc tập đoàn với khoảng 50.000 lao động sẽ có mức thưởng 1-1,5 tháng lương, mức này chỉ bằng một nửa so với năm trước (các DN thưởng trung bình cho công nhân 2 tháng lương, nhiều DN thưởng 3-4 tháng lương). Ngay từ đầu năm 2022, các công ty sợi, dệt đã đối mặt nhiều khó khăn về đơn hàng; đến quý III/2022, đơn hàng ở các nhà máy may giảm nhiều. Nhiều DN cho biết khả năng chỉ cầm cự đến hết tháng 12-2022, nếu đầu năm 2023 vẫn thiếu đơn hàng thì buộc phải tính phương án khác. Với NLĐ lúc này, không mong gì hơn là có việc làm, có khoản thưởng Tết đủ để không phải chạnh lòng khi xung quanh rộn ràng đón Tết.

Ngay tại TP HCM, hiện đang có 155 DN giảm đơn hàng, 50.157 NLĐ ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sâu. Với tình cảnh này, dự báo Tết năm nay sẽ có nhiều DN không có tiền thưởng Tết hay lương tháng 13 cho NLĐ. Tổ chức Công đoàn cùng hệ thống chính trị nhiều địa phương đã lên phương án hỗ trợ để NLĐ đi qua những ngày Tết trong tình cảm sẻ chia, đùm bọc với nhiều hình thức như những năm qua đã từng thực hiện.

"Chúng tôi biết, công nhân - lao động đi làm ai cũng mong có khoản lương và thưởng kha khá để ăn Tết. Họ làm với mình quần quật cả năm, nếu chi li tính toán từng đồng thì thấy mình đối xử không phải với NLĐ, nên dù làm ăn năm nay không suôn sẻ, tôi vẫn tìm cách để có khoản tiền thưởng Tết cho NLĐ" - một giám đốc công ty may ở TP HCM, bộc bạch.

Đó là một tâm sự chân thành, một ứng xử đáng quý. Hơn lúc nào hết, tình cảm giữa những người từng đồng cam cộng khổ sẽ là nguồn lực tinh thần để cùng nhau vượt khó. Giữ được NLĐ, nỗ lực khôi phục, phát triển DN, cả hai cùng tồn tại, cả hai cùng thắng sẽ là lối ra cần thiết trong những thời điểm khó khăn.

Trong tâm thức người Việt, ngày Tết luôn đồng nghĩa với đầm ấm, sum vầy, hạnh phúc. Tết khép lại một năm, mở ra năm mới, nên năm qua đã khổ nhọc, vất vả ai cũng mong năm mới tốt đẹp hơn, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Khép lại một năm với khoản tiền thưởng và tâm trạng vui tươi, sự thấu hiểu, cảm thông… là điều DN và NLĐ đều mong mỏi.

Theo HOÀNG HOA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm