Chung sức làm đường giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường liên xã, năm 2013 huyện Phú Thiện đã có thành công lớn trong việc bê tông hóa các tuyến đường liên thôn.

5 dân tộc cùng chung sức làm đường

 

Ảnh: Đức Thụy

Nằm cách trung tâm huyện Phú Thiện chừng 4 cây số, thôn Thanh Bình, xã Ayun Hạ có 146 hộ dân gồm 5 dân tộc chung sống là: Kinh, Tày, Nùng, Thái và Mường. Như nhiều thôn, làng khác ở Ayun Hạ, hầu hết người dân thôn Thanh Bình sản xuất nông nghiệp. Là một thôn nghèo nhất của xã nghèo, lại không có sẵn các loại vật liệu để làm đường như cát, đá nên các năm trước không hoàn thành được chỉ tiêu làm đường bê tông. Sang đầu năm 2013, chi bộ Đảng ở các thôn đưa chỉ tiêu làm đường bê tông vào nghị quyết và tổ chức cho trưởng thôn cùng các đoàn thể trong thôn vào từng nhà, gặp từng dòng tộc để vận động, thuyết phục nên mọi việc diễn ra thuận lợi.

Ông Lương Văn Ít-Trưởng thôn Thanh Bình phấn khởi: Khi được cán bộ tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, người dân trong thôn hiểu ra ý nghĩa của việc làm đường đã tích cực tham gia. Không kể là dân tộc nào, mỗi nhà đều phải đóng góp 300.000 đồng để mua cát, đá và cắt cử nhân công đứng ra làm đường; những gia đình không có nhân công thì nộp 120.000 đồng/ngày công. Nhờ dân làng đồng tình hưởng ứng nên trong 10 ngày lao động tích cực, hơn 450 mét đoạn đường chính dẫn vào thôn đã hoàn thành.

Ông Trịnh Thuyết-Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Điều cốt yếu trong việc làm đường bê tông nông thôn là phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để huy động sức dân tham gia cùng với Nhà nước. Cán bộ xã, thôn phải tích cực vận động để nhân dân hiểu ra lợi ích của việc bê tông hóa đường làng. Năm ngoái, có cụ bà ở thôn Thanh Bình khi cán bộ xã, thôn đến vận động dời hàng rào vào để làm đường, gia đình phải chặt đi 1 cây xoài lâu năm, cụ bà tiếc cây, tiếc của nhất quyết đòi sống, đòi chết chứ không chịu nghe theo.

“Thế nhưng, khi đường làm gần đến nhà cụ, thấy rộng rãi, sạch sẽ, cụ ưng cái bụng và tự giác vận động con cháu chặt cây, dời hàng rào và hàng ngày nấu nước phục vụ nhóm thợ làm đường”-ông Thuyết cười nói tiếp: “Khi làm đường hơn 100 hộ dân ở các thôn, làng đã tự nguyện dời hàng rào vào bên trong vườn để nắn đường cho thẳng rồi mới đổ bê tông. Địa bàn xã không có đá, cát xây dựng nên người dân buộc phải góp công làm đường và góp tiền để sang địa bàn khác mua về. Đến nay xã đã làm được 2,5 km cây số đường bê tông. Làm đường bê tông qua các làng là công trình hưởng ứng xây dựng “Nông thôn mới” nên nhân dân rất phấn khởi, thi đua thực hiện”.

Kinh nghiệm từ việc huy động sức dân

 

Làm đường bê tông ở xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đức Phương

Cùng Trưởng thôn Thanh Bình, xã Ayun Hạ chúng tôi bon bon xe máy trên con đường bê tông rộng 3 mét phẳng lỳ sạch sẽ dẫn vào buôn. Ông Lương Văn Ít khoe: “Mấy năm trước, khi chi bộ họp dân triển khai làm đường bê tông, phải dời hàng rào của nhiều hộ vào cho rộng rãi, lúc đó nhiều người phản đối. Cả thôn cứ nhìn nhau mà không dòng tộc nào chịu hưởng ứng. Nhưng rồi qua nhiều lần vận động, các dòng tộc hiểu ra và tự giác thực hiện, góp công sức cùng với Nhà nước để làm bê tông toàn bộ tuyến đường trong thôn. Có đường bê tông giúp cho việc lưu thông hàng hóa, nông sản được dễ dàng; mùa mưa không lo bị sình lầy, mất vệ sinh, dịch bệnh”.
 

Các tuyến đường liên thôn, làng được giao cho chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tổ chức thực hiện, cử người theo dõi giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình. Các ban quản lý thi công công trình của các xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát về mặt kỹ thuật, chất lượng công trình. Ban Thanh tra Nhân dân ở các thôn, làng trực tiếp giám sát quá trình thi công.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, Nhà nước hỗ trợ định mức 115 tấn xi-măng và 100 triệu đồng/km; huyện hỗ trợ chi phí san lấp tạo mặt bằng nền đường, từ năm 2004 đến nay, huyện Phú Thiện đã làm được gần 73 km (riêng năm 2013 làm được 15,9 km) đường bê tông giao thông nông thôn. Quá trình làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân tham gia thi công, đóng góp kinh phí, ngày công và vật liệu xây dựng. Đây là chủ trương hợp lòng dân nên tạo được sự đồng thuận cao trong bà con. “Vì thế nhân dân rất phấn khởi, trong suốt thời gian triển khai đã hạn chế các trường hợp thắc mắc, khiếu kiện”-ông Ngô Văn Hiếu-Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng nói đầy tự hào.

Nhờ biết huy động sức dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội mà đến nay nhiều tuyến đường liên thôn ở huyện Phú Thiện đã được bê tông hóa, phong quang, sạch đẹp. Mùa về, hàng hóa, nông sản được vận chuyển, lưu thông thuận lợi. Đời sống kinh tế-xã hội của người dân nhờ đó từng bước sẽ được nâng lên.   

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm