Thời sự - Bình luận

Chúng ta làm gì khi lũ đi qua?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hằng năm ngân sách nhà nước chi hàng trăm nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Những thiệt hại về tài sản có thể khắc phục được, nhưng thiệt hại về người thì không có cách gì bù đắp.
 
Mặc áo phao trước khi lên thuyền liệu có giúp tránh những trường hợp thiệt mạng? - Ảnh: LÊ TRUNG
Mặc áo phao trước khi lên thuyền liệu có giúp tránh những trường hợp thiệt mạng? - Ảnh: LÊ TRUNG
Chiều 21-10, trong chuyến đi cứu trợ ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đoàn thiện nguyện, trong đó có những người bạn tôi, đã ghé thăm gia đình anh Hoàng Văn Đức và chị Ngô Thị Thơm, cặp vợ chồng có hai con trai 10 tuổi và 6 tuổi thiệt mạng vì bị lật thuyền khi đi tránh lũ. Những hình ảnh các bạn gửi về khiến chúng ta không thể cầm nổi nước mắt.
Theo lời kể của gia đình hai cháu nhỏ, hôm đó tại nhà anh Đức nước đã lên hơn 1m và tiếp tục lên nhanh. Anh Đức nhờ em trai dùng một chiếc đò nhỏ chở hai con lên nhà ông bà nội cách đó 1km để tránh lũ. Đâu ngờ chiếc đò mới rời khỏi nhà được chừng 300m thì gặp sóng to, gió lớn nên bị lật úp, cả hai đứa trẻ chìm trong dòng nước lũ...
Từ câu chuyện thương tâm này, tôi tự hỏi nếu được mặc áo phao trước khi lên thuyền thì liệu các cháu có thiệt mạng thảm thương như vậy không? Vì tình huống cấp bách, người lớn không kịp mặc áo phao cho các cháu vì nhà không có sẵn áo phao hay vì áo phao là thứ người dân ở đó chưa hề nghĩ tới?
Hằng năm ngân sách nhà nước chi hàng trăm nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Những thiệt hại về tài sản có thể khắc phục được, nhưng thiệt hại về người thì không có cách gì bù đắp. Nỗi đau của những người cha, người mẹ mất con, sự thiệt thòi của những đứa con mất cha mẹ vì thiên tai không chỉ là nỗi đau của bản thân họ mà còn là nỗi ám ảnh, sự day dứt của chúng ta: Chúng ta có thực sự vô can trong nỗi bất hạnh của đồng bào mình?
Các trường học đã thực sự quan tâm đến kỹ năng an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống sót khi xảy ra thiên tai hay hiện vẫn còn là một vùng trắng? Liệu đã đến lúc kỹ năng sống còn trong vùng lũ, hay gọi nôm na là "kỹ năng sống chung với lũ", trở thành một môn học ngoại khóa được quan tâm nghiêm túc và được các chuyên gia cứu hộ giảng dạy kỹ lưỡng trong các nhà trường ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ hay chưa?
Thiết nghĩ thay vì khi lụt xảy ra, nhiều nơi đã ở trong tình trạng ngập khó tiếp cận, các đội cứu hộ mới nháo nhào đi lùng áo phao để phát cho người dân, chính quyền địa phương từ nay cần vào cuộc vận động các gia đình ở các vùng có nguy cơ lũ lụt, người dân ở các khu vực hạ du của các thủy điện lớn sắm mỗi người một chiếc áo phao, việc mặc áo phao khi di chuyển trong vùng nước lụt là bắt buộc với tất cả mọi người. 
Tôi tin rằng đa số người dân không nghèo đến nỗi không thể sắm được cho gia đình mình những tấm áo phao, mà dù thật nghèo, nếu tấm áo phao là vật cứu mạng trong lũ lụt, họ vẫn nên trang bị cho mình. Nếu khi có lũ lụt người dân cũng có ý thức mặc áo phao như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thì thiệt hại về người chắc chắn được giảm thiểu.
Quan trọng hơn cả giáo dục kỹ năng sống chung một cách an toàn với thiên tai là các chiến lược giảm thiểu tác hại của thiên tai từ xa. Chính phủ với các cơ quan chức năng cần đánh giá một cách nghiêm túc sự góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt của việc phá rừng đầu nguồn và việc phát triển thủy điện nhỏ một cách ồ ạt trong những năm qua để rút ra các bài học xương máu, cũng như điều chỉnh các quy định nhằm phòng ngừa tác hại của thiên tai với tầm nhìn xa.
Và bên cạnh trao tặng vật chất để tái thiết cuộc sống, khôi phục sản xuất, dựng lại trường học cho trẻ em, để rồi mùa bão lũ năm sau quay lại cái vòng tái thiết và khắc phục luẩn quẩn, mỗi công dân trong xã hội nên tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ rừng đầu nguồn, các dự án trồng mới các rừng cây chắn sóng ven biển để thiên tai nếu xảy ra cũng không có sức mạnh tàn phá khủng khiếp như những gì chúng ta đã thấy trong những năm vừa qua.
NGUYỄN BÍCH LAN (TTO)

Có thể bạn quan tâm