Thời sự - Bình luận

Chung tay vì niềm hy vọng không còn người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (từ ngày 17-10 đến 18-11) được triển khai rộng khắp trên cả nước với mục tiêu ngày càng có nhiều người nghèo được đổi thay số phận. Không chỉ thể hiện ở mấy ngàn tỷ đồng ủng hộ ngay trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” tổ chức tối 17-10 mà công tác giảm nghèo đã được thực hiện có kết quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, không chỉ là thiếu cái ăn, cái mặc hàng ngày, người nghèo dưới cái nhìn đa chiều cần được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ nhiều hơn thế để thoát nghèo bền vững.
Báo cáo công tác giảm nghèo của Việt Nam năm 2021 cho thấy, kết quả giảm nghèo của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ nguồn vận động hơn 19.300 tỷ đồng của MTTQ Việt Nam các cấp, hơn 102 ngàn căn nhà “Đại đoàn kết” đã được tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; trên 2,4 triệu lượt người được hỗ trợ khám-chữa bệnh; hơn 593 ngàn lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ học tập; hơn 663 ngàn lượt người được hỗ trợ vốn sản xuất. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho hơn 56 triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền hơn 86.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã dành trên 288.000 tỷ đồng với tổng dư nợ gần 276.000 tỷ đồng cho gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay phát triển kinh tế gia đình.
Việt Nam là quốc gia tiên phong của khu vực châu Á-Thái Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2015 làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Đến nay, hàng triệu gia đình ở Việt Nam đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 1990 xuống còn 5,2% vào năm 2020.
Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh (thứ 3 từ trái sang) bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Rơ Châm Amaih (làng Or, xã Ia Phí). Ảnh: Ngọc Anh
Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh (thứ 3 từ trái sang) bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Rơ Châm Amaih (làng Or, xã Ia Phí). Ảnh: Ngọc Anh
Thế nhưng, kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam được cho là chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Cả nước vẫn còn 1,3 triệu hộ nghèo và hơn 1 triệu hộ cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35%, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là trong các nhóm dân tộc thiểu số miền núi và dân cư ven biển, hải đảo. Tình trạng chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều; khả năng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững; việc tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở...
Tiến sĩ Nguyễn Thắng-Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, ngoài tác động của dịch bệnh Covid-19 thì tình trạng việc làm bấp bênh trong khu vực lao động phi chính thức là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ tái nghèo tăng trở lại. Hiện khoảng 70% lao động nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp không có giao kết hợp đồng. Những người này rất dễ bị tổn thương, sức chống chịu yếu, nhất là với những người lớn tuổi, không có bảo hiểm xã hội, không lương hưu. Vì vậy, tăng tỷ lệ lao động có giao kết hợp đồng là một trong những cách để giảm nghèo hiệu quả. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo, giúp họ có thu nhập, thoát nghèo bền vững.  
Xóa nghèo là vấn đề của toàn dân và cả nước. Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2022-2025 giảm nghèo đa chiều bình quân 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại lễ phát động chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp của các cấp, ngành và đối tác quốc tế. Cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người nghèo. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu người nghèo không nỗ lực vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình mình. Vì vậy, bên cạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng, trước hết và trên hết phải là ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân khi được trao cơ hội thoát nghèo.
ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm