(GLO)- Những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã dành nhiều sự quan tâm đối với các nạn nhân da cam/dioxin. Tuy nhiên, nỗi đau da cam vẫn đang đè nặng lên bao gia đình, không chỉ là những người lính từng tham gia chiến tranh mà cả con cháu họ và những người dân thường.
Còn đó nỗi đau
Nhìn 3 người con của ông Phan Văn Lăng (làng U, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) đứng ngồi vô tri vô giác trong căn nhà dựng tạm bợ, ai cũng cảm thấy đau lòng. Nuốt nước mắt vào trong, ông Lăng kể: “Năm 1963, quê tôi ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) hứng chịu nhiều trận rải chất diệt cỏ của quân đội Mỹ. Không ai ngờ rằng, cái thứ bột trắng dính trực tiếp lên người năm ấy đã để lại nỗi đau nặng nề, dai dẳng như thế”.
Nạn nhân da cam xã Kông Htok, huyện Chư Sê được các đơn vị hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Ảnh. Đ.Y |
Khi ông Lăng lập gia đình, lần lượt sinh 4 người con thì tất cả đều bị phơi nhiễm chất độc da cam. Lúc đó ông mới hiểu rõ cái chất bột trắng mà quân đội Mỹ rải xuống năm xưa là sự hủy diệt tàn độc nhất đối với con người. Con đầu ông Lăng có vấn đề về thần kinh, chết khi lên 9 tuổi. Con thứ hai cũng bị bệnh thần kinh. Con thứ ba, thứ tư thì bị bại não. Vợ chồng ông hoang mang cực độ và tự trách bản thân vì chẳng thể cho những đứa con một cuộc đời bình thường. Năm 2003, vợ chồng ông quyết định sinh thêm đứa con thứ 5 với hy vọng con được lành lặn để nương nhờ tuổi già. May mắn cho vợ chồng ông, đứa con thứ 5 chào đời khỏe mạnh. Những tưởng vậy là số phận đã mỉm cười với gia đình, nào ngờ, vợ ông lại mắc bệnh hiểm nghèo. Một mình ông chèo chống nuôi 4 đứa con (trong đó có 3 đứa tật nguyền) và người vợ mắc bệnh ung thư phổi.
Chúng tôi gặp lại vợ chồng ông Lăng khi cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê và Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin Vend-TP. Hồ Chí Minh đến trao bò giống cho các nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Chư Sê. Ngoài bò giống, gia đình ông Lăng còn được Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin Vend-TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 5 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Lăng xúc động nói: “Đây là món quà có giá trị lớn nhất từ trước tới nay mà gia đình tôi được nhận. Tôi mừng lắm! Đó là nguồn động viên để tôi có thêm nghị lực phấn đấu vượt lên nỗi đau”.
Nỗi đau của gia đình ông Phan Văn Lăng cũng là nỗi đau chung của 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh ta. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo và đau khổ nhất trong những người đau khổ. Vì thế, họ luôn mong nhận được sự động viên về vật chất, tinh thần của toàn xã hội để vơi đi nỗi đau da cam.
Tiếp tục chăm lo nạn nhân da cam
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cùng vào cuộc, quan tâm giải quyết tốt chế độ cho các nạn nhân. Cùng với việc chủ động tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền trên 8,6 tỷ đồng, các cấp, các ngành trong tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân vay không lấy lãi để tăng gia sản xuất, làm dịch vụ với số tiền 1,24 tỷ đồng; giúp vốn làm mới và sửa chữa 45 căn nhà với số tiền 1,4 tỷ đồng; tặng hàng trăm con bò giống cho gia đình nạn nhân chất độc da cam đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, nuôi dưỡng 30 cháu tại gia đình với số tiền trên 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh mới có 2.592 người bị phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Số còn lại chưa được hưởng trợ cấp phần lớn là người già yếu, bệnh tật, đời sống khó khăn. Ngoài ra, số gia đình có con bị di chứng chất độc da cam cần có người chăm sóc, chế độ dành cho người chăm sóc cũng chưa thực hiện.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị: “Tỉnh ủy Gia Lai tiếp tục chỉ đạo để triển khai tốt hơn Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặc biệt là quan tâm giải quyết tốt chế độ cho các nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng để họ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Đồng thời, tỉnh cần rà soát, kiểm tra lại thế hệ nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam thứ ba, từ đó, xem xét giải quyết kịp thời chế độ bảo trợ xã hội cho các đối tượng và chế độ cho người chăm sóc các đối tượng”.
Đinh Yến