Năm 1961, chiến tranh Việt Nam diễn tiến theo chiều hướng khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mỹ vô cùng lo ngại. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm là người đầu tiên đề nghị Mỹ dùng chất diệt cỏ như là một loại vũ khí để chặn đường ẩn náu và cung cấp lương thực, vũ khí của quân đội miền Bắc cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 10-8-1961, lần đầu tiên, Mỹ điều máy bay H34 phun rải chất độc dọc quốc lộ 14 qua tỉnh Kon Tum, mở đầu cho hành động hủy diệt tàn bạo kéo dài hơn 10 năm sau đó trên khắp chiến trường miền Nam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê trao bò sinh sản cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Dung |
Trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là CĐDC, xuống 26.000 thôn, làng của Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu ha. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần. Tổng cộng có tới 366 kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ. Chất độc da cam/dioxin là loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị đảo lộn.
Cả nước hiện có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân trực tiếp của CĐDC/dioxin với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ phải hứng chịu. Ngoài hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại, Việt Nam vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, hơn 35.000 nạn nhân thế hệ thứ 3... Nhiều gia đình có 4-5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn; nhiều nạn nhân không có khả năng lao động, kiếm sống, thậm chí, không có khả năng làm chủ hành động của bản thân. Đời sống của hầu hết nạn nhân CĐDC còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để chung tay xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm CĐDC/dioxin, hàng năm, Nhà nước đã dành hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC; ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết nạn nhân và con cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 bị ảnh hưởng CĐDC đều được hưởng chính sách của Nhà nước. Nhiều nạn nhân có ý thức khắc phục khó khăn, bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, hơn 20 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cũng đã vận động được hơn 3.000 tỷ đồng chăm lo cho các nạn nhân và gia đình của họ. Các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng CĐDC cũng thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp bà con khắc phục phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Tỉnh Gia Lai có 13.000 người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó, 6.225 người là nạn nhân trực tiếp và 6.747 người bị nhiễm gián tiếp. Có 2.004 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước, gồm 1.174 đối tượng phơi nhiễm trực tiếp và 830 đối tượng phơi nhiễm gián tiếp.
Cùng với đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, kêu gọi sự hợp tác quốc tế để khắc phục thảm họa da cam; những điểm nóng về dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa đã và đang được xử lý bằng công nghệ hiện đại của Mỹ, New Zealand, Đức, Nhật Bản... đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn.
Nỗi đau của nạn nhân CĐDC/dioxin là nỗi đau chung của Nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Dù nhiều người đã vượt lên nỗi đau, tiếp tục đóng góp sức mình cho cuộc sống, nhưng phần lớn trong số họ rất cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia về vật chất, tinh thần của cộng đồng để vơi đi phần nào nỗi đau thân xác, tiếp thêm năng lượng để ổn định cuộc sống.