(GLO)- Dân ta rất thích ca hát, như thể đó là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Hát cho phấn chấn tinh thần, để chia vui, sớt buồn, giãi bày tâm sự, thay điều muốn nói. Khi mà “công nghệ ca hát” chưa trở nên phổ biến như bây giờ thì người xưa hát ả đào, hát chèo, hát ví dặm, hát tuồng, hát bài chòi, hát xẩm, hát hò, hát đối... Từ Bắc vô Nam vùng miền nào cũng có làn điệu dân ca; từ xuôi đến ngược dân tộc nào cũng có âm nhạc của riêng mình, được bảo tồn và phát triển.
Lời ca tiếng hát gắn bó với con người trong cuộc sống và lao động mỗi ngày. Buổi ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, người ta hát trước là để mua vui, quên bớt mệt nhọc, cho thời gian trôi qua nhẹ nhàng hơn; sau là đua tài lẫn nhau (dù cuộc đua chẳng có ban tổ chức). Từ ruộng bên này hát qua, ruộng bên kia hát đối lại rất vần điệu, biền ngẫu, chỉnh lặp, phá cách… Giọng hát/hò cao thấp bỗng trầm hòa trong không gian mênh mông bát ngát đến chim trời còn ngẩn ngơ sà cánh! Với lối hát như vậy, nội dung ca từ không ngừng được sáng tạo. Lớp người sau theo đó mà ghi nhớ, sử dụng và phát triển. Nhiều người nhờ đấy mà nên duyên vợ chồng. Có lẽ xuất xứ, sự phát triển dòng âm nhạc dân gian ở ta phần nhiều có điểm chung như vậy. Không dám lạm bàn, vì kiến thức chuyên môn có hạn.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Từ ngày công nghệ ra đời, sự nghiệp hát ca của dân ta từng bước lên ngôi. Nhờ vào phương tiện nghe nhạc như chiếc radio, máy hát đĩa, băng cassete, đĩa hát DVD, đĩa CD…, cứ thế mà dân ta hát theo và cả luyện giọng cho giống với ca sĩ yêu thích. Cứ nhìn theo dòng chữ chạy trên màn hình mà hát, không cần thuộc lời. Luyện giọng hát không nhằm để thi thố, mong bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp mà cốt để lên sàn sân khấu “Hát cho nhau nghe”, sân khấu nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ karaoke… Ở gia đình thì nhờ vào dịch vụ karaoke lưu động, vào chiếc “loa kẹo kéo”. Tất nhiên, niềm vui đem lại từ hoạt động ca hát không phải bàn nhiều. Cứ nhìn vào sức sống của nó thì đủ biết.
Ở Pleiku, phong trào “hát cho nhau nghe” nổi lên một thời gian rồi tiêu biến, bởi đối tượng tham gia đòi hỏi phải có kỹ năng âm nhạc. Họ đến quán cà phê “hát cho nhau nghe” để giao lưu bè bạn, để thưởng thức không gian âm nhạc theo đúng nghĩa. Hát tại sân khấu tiệc cưới thì lại rất thịnh hành, từ đô thị đến miền quê; từ nhà hàng sang trọng cho đến rạp che ngoài trời. Có lần tôi đem chuyện dự đám cưới nhà hàng được nghe nghệ sĩ thổi saxophone vài bài, sau đó nghe nhạc hòa tấu giai điệu êm dịu, người chung bàn vừa ăn vừa chuyện trò, không gian bữa tiệc rất hay thì lập tức bị phản đối. Bởi với nhiều người, đi dự cưới là để được mời lên sân khấu hát, đám cưới mà không hát thì buồn quá thể… đám ma! Hay là hay thế nào. Chết chửa!
Các hình thức hát karaoke khác trong không gian gia đình, làng xóm, khu phố cùng hát, cùng nghe thêm niềm vui, gắn kết tình cảm là điều được khẳng định. Tuy thế, nếu cuộc vui kéo dài, hát không đúng thời điểm, âm thanh phát ra quá cỡ, chất giọng “phá nát” âm nhạc… thì thật là phiền toái cho người bị nghe, nhất là người già, người đang bị đau ốm.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ