Chuyện chưa biết tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai) là phép lịch sự và sự ngăn nắp. Từng học viên luôn khom người “chào thầy, chào cô, chào quý khách...”. Ở khu vực dành cho học viên, mọi thứ đều rất gọn gàng, nhiều ô cửa còn treo những giò phong lan rất đẹp. 
Dù không phải là thầy-cô giáo nhưng tất cả cán bộ ở Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy đều được học viên gọi là thầy, là cô. Bởi lẽ, họ chính là người giúp các học viên từ bỏ “nàng tiên nâu” để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Hiểm nguy luôn rình rập
Chị Hồ Thị Lệ Hoa đang trò chuyện cùng học viên. Ảnh: P.D
Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy hiện có 130 học viên, trong đó 72 học viên bắt buộc, 32 học viên tự nguyện và 26 học viên chờ xử lý. Cơ sở gồm có 5 khu: điều trị, chờ xử lý, bắt buộc, tự nguyện và khu dành cho nữ. Hơn 10 năm gắn bó với nơi này, anh Trịnh Cầm Ân-cán bộ y tế-bộc bạch: “Ở khu điều trị cắt cơn, chúng tôi luôn trong tình trạng mất ngủ. Những ngày đầu tiếp nhận học viên mới, họ lên cơn thèm thuốc, không ăn, không ngủ, chỉ la hét”. Theo anh Ân, khoảng 3 năm trở lại đây, đối tượng cai nghiện tại đây ngày càng trẻ hóa (có học viên mới chỉ 13 tuổi) và đa phần là nghiện ma túy tổng hợp. Hệ lụy của loại ma túy này là gây rối loạn tâm thần cấp và mãn tính khiến việc điều trị gặp khó khăn, cán bộ y tế phải thay phiên trực 24/24 vừa để điều trị kịp thời, vừa để tránh trường hợp học viên vượt trốn hoặc tự sát. Giải thích về vấn đề này, anh Ân cho hay: Vào những ngày đầu mới điều trị cắt cơn, học viên thường bị ức chế do mất tự do, suy nghĩ không thấu đáo nên chỉ cần quản lý lơ là, mất cảnh giác là đối tượng vượt trốn, thậm chí dùng cả những vật sắc, nhọn để tấn công cán bộ... Hoặc sau 7-10 ngày ngưng dùng thuốc, một số học viên có dấu hiệu trầm cảm, tìm cách tự sát. Do đó, các vật dụng hàng ngày như: muỗng, đũa ăn cơm... đều dùng loại bằng nhựa mềm để tránh trở thành hung khí gây sát thương.
Riêng với chị Hồ Thị Lệ Hoa-cán bộ giáo dục tại cơ sở này thì: “Những ngày đầu mới nhận công việc, tôi luôn bị stress vì học viên không nghe lời, thường xuyên đánh nhau, vi phạm nội quy, thậm chí có lúc kích động còn đòi đánh lại cán bộ”. Nhưng có lẽ, việc phải thường xuyên tiếp xúc với học viên luôn trong tình trạng “ngáo” chưa hẳn đã là khó khăn nhất với cán bộ nơi đây vì vẫn còn nhiều hiểm nguy khác nữa. Hiện tại, công suất ở phòng điều trị cắt cơn tại cơ sở chỉ đáp ứng cho 9 người nhưng luôn dao động ở mức 20-25 người; khu lây nhiễm chưa có nên một số bệnh nhiễm như: HIV, lao... không có khu điều trị cách ly.
Bài học “nước nóng, nước nguội”
Do tính chất công việc khá đặc thù nên mỗi cán bộ tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy đều rèn cho mình tính kiên trì, nhẫn nại và phương pháp dùng tình cảm để cảm hóa, giáo dục học viên. Chị Hồ Thị Lệ Hoa chia sẻ: “4 năm công tác tại đây, bản thân luôn ghi nhớ bài học “nước nóng, nước nguội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi tiếp xúc với học viên”. Bởi lẽ, học viên xuất thân từ nhiều môi trường khác nhau, có người gia cảnh rất khó khăn nhưng vì đua đòi, nghe theo bạn bè rủ rê dẫn đến nghiện, có người là những anh, chị có “số má” ngoài xã hội, cũng có những học viên khôn khéo, lý luận rất sắc bén sẵn sàng bắt bẻ cán bộ... nên phải tùy từng học viên mà có cách nói chuyện, tư vấn cho phù hợp. Hơn nữa, các đối tượng nghiện không giống nhau, biểu hiện cũng không giống nhau nên ngoài tư vấn, giáo dục, cán bộ còn phải dành phần nhiều thời gian tổ chức cho học viên tham gia vui chơi, văn nghệ; áp dụng các biện pháp động viên, khích lệ kịp thời để học viên chấp hành tốt các nội quy, quy chế. Sau hơn 3 tháng cai nghiện bắt buộc, học viên Nguyễn Mạnh Hùng (huyện Ea HLeo, tỉnh Đak Lak) cho hay: “Lúc mới bị bắt đưa vào đây, tôi rất sợ. Nhờ các thầy, cô tận tình giúp đỡ, tôi thấy tinh thần, sức khỏe tốt hơn hẳn. Tôi sẽ cố gắng cai nghiện, tập trung lao động để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục công việc vẽ bảng hiệu quảng cáo”.
Theo một số cán bộ tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy, công tác phòng-chống ma túy là cuộc chiến chưa có hồi kết. Do đó, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các trường học. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh công tác tư vấn, giáo dục cho các đối tượng đã tái hòa nhập cộng đồng để giảm tỷ lệ tái nghiện.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm