Chuyện của những…"single dad"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trở thành một ông bố, bà mẹ đơn thân... Đặc biệt với những ông bố đơn thân (single dad) thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái lại càng là điều không hề dễ dàng.

Có vợ vẫn là…  single dad!

Anh P.T.D. (phường Đống Đa, TP. Pleiku) được xem là một “single dad” khá đặc biệt. Bởi anh vẫn đang có một gia đình hạnh phúc, yên ấm với vợ đẹp, con ngoan. Chỉ là, vợ anh công tác cách TP. Pleiku gần 60 km, đường sá đi lại khó khăn nên phải ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Vì vậy, việc nhà, việc chăm sóc con cái anh đều phải quán xuyến từ A đến Z. Cả 2 bé nhà anh đều ở với mẹ dưới xã trong 2 năm đầu tiên, sau đó mới theo cha về thành phố để tiện việc ăn ở, đi học. “Ban đầu mình cũng chỉ nghĩ, chỉ cần quan tâm, dành thời gian cho con nhiều một chút để chúng bớt nhớ mẹ, rồi cho chúng ăn, ngủ, nghỉ… đúng giờ là được. Nhưng phải thật sự đến những lần con ốm mình mới cảm nhận hết nỗi vất vả. Còn nhớ, đêm đầu tiên con bị sốt, miệng cứ mê man gọi mẹ ơi! Nhìn con mà mình muốn rớt nước mắt, vừa thương con mà cũng thương cả mình”-anh D. trải lòng.

 

(GLO)- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trở thành một ông bố, bà mẹ đơn thân... Đặc biệt với những ông bố đơn thân (single dad) thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái lại càng là điều không hề dễ dàng.
Ảnh minh họa

Gần 5 năm nhận trách nhiệm chăm sóc 2 con, chưa đêm nào anh có một giấc ngủ sâu. Cậu con trai đầu lòng một đêm nếu không gọi dậy đi vệ sinh vài lần là y rằng sẽ đái dầm; còn cô con gái chỉ cần một cơn ho nhẹ cũng nôn đầy giường. “Có lúc mệt mỏi trong người, cũng cáu gắt với con nhưng rồi lại nghĩ, con cũng đâu có muốn thế. Nửa đêm lại hì hụi dậy lau người cho con, thay áo quần, ga trải giường”-anh D. bộc bạch. Từ khi trở thành một “single dad” bất đắc dĩ, anh  cũng “ép” mình phải thay đổi những thói quen, sắp xếp lại thời gian làm việc cho phù hợp, hạn chế bớt những sở thích cá nhân… để dành nhiều thời gian hơn nữa cho con cái. Anh bảo, ông bà nội ở cùng ba cha con nhưng ông bà cũng 70 tuổi rồi nên không thể ỷ lại hết được. Phải một mình chăm sóc 2 con nên ngay từ khi các con còn nhỏ, anh đã cố gắng rèn cho con tự làm một số việc: đánh răng, rửa mặt, tắm…

“Gà trống nuôi con”

Gần 6 năm đơn thân nuôi con, anh Đ.N.H. (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nói rằng: “Đây là khoảng thời gian khó khăn của cả gia đình. Cũng may, mọi thứ giờ đã ổn và các cháu đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết vâng lời”. Không muốn nhắc nhiều đến nguyên nhân vì sao cuộc hôn nhân tan vỡ, vì sao anh trở thành người cha đơn thân, H. nhẹ nhàng: Hạnh phúc của mình, tương lai của mình giờ đây chính là các con!

Theo H., làm cha đơn thân không đơn giản chỉ là trách nhiệm tăng gấp đôi mà kéo theo đó là hàng loạt những vấn đề khác. Phải làm thế nào để hài hòa giữa công việc với chăm sóc con, vừa phải duy trì nguồn kinh tế ổn định…. “Thú thật, hiện tại, lương của mình không đủ để đáp ứng cuộc sống của ba cha con đâu, vẫn phải nhờ vào ông bà nội và cô ruột của các cháu đấy. Ngay cả việc chăm sóc các cháu mỗi ngày, từ tắm giặt, ăn uống, ngủ nghỉ, đến trường… vẫn do ông bà nội là chủ yếu. Mình chỉ tranh thủ thời gian sáng, trưa, chiều chơi với con một lúc rồi lại đi làm”-H. tâm sự. Biết các con thiếu vắng tình thương yêu của mẹ, nên anh luôn cố gắng bù đắp bằng việc đưa các con đi chơi, tối đến dành nhiều thời gian để trò chuyện với con, dỗ con ngủ. Do có sự hậu thuẫn từ gia đình nên anh H. cũng không quá vất vả trong việc chăm sóc con cái như những ông bố đơn thân khác, nhưng anh luôn canh cánh nỗi lo. “Chưa một lần 2 con (11 tuổi và 8 tuổi) hỏi mẹ đâu nhưng nếu chúng hỏi không biết phải trả lời thế nào để con không bị tổn thương. Hơn nữa, con gái ngày càng lớn sẽ có những thay đổi tâm sinh lý nhất định, lúc đó người cha không thể gần gũi để chia sẻ, trò chuyện và làm thay vai trò của người mẹ…”-anh H. băn khoăn.

Anh H.M.Q. (thị xã An Khê)-một “single dad” khác mà tôi có dịp gặp tại hội nghị biểu dương những ông bố, bà mẹ nuôi dạy con tốt cách đây chưa lâu cũng đã chia sẻ về những khó khăn, vất vả từ khi người bạn đời của mình ra đi do bạo bệnh. Anh vốn bị tật nguyền đôi chân nên cuộc sống của ba cha con lại càng chật vật. Để có thể chu cấp cho các con ăn học, mỗi ngày anh đều cố gắng dậy thật sớm lăn bánh xe khắp các nẻo đường của thị xã để bán vé số và chỉ trở về nhà khi đã khuya. “Trong lúc tinh thần suy sụp nhất, hai con chính là động lực để tôi đứng vững. Dù cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, song tôi sẽ giữ lời hứa với cô ấy, cố gắng nuôi hai con khôn lớn, trở thành người có ích”-anh Q. nói.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm