Phóng sự - Ký sự

Chuyện của nữ chiến sĩ ở hai mặt trận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi tìm đến chị qua lời giới thiệu của một cán bộ công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh. Lịch làm việc dày đặc, cuộc hẹn dù được sắp xếp vào cuối ngày vẫn cứ bị lui mãi… Gần 6 giờ chiều, chị em được gặp nhau. Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ dù mặc thường phục giản dị vẫn toát lên chất lính tráng, khảng khái và uy nghiêm qua từng cử chỉ, lời nói. Câu chuyện xoay quanh ký ức chiến tranh, về những năm tháng chẳng ai dám tin mình sẽ và còn sống được bắt đầu…

“Chỉ những ai sinh ra, lớn lên trong chiến tranh mới có thể thấu hiểu hết về nó. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Khốc liệt, mất mát, đau thương… chưa đủ, nó còn là ám ảnh, là lòng căm thù đủ khiến ai cũng sẵn sàng đứng lên cầm súng, ngay kể cả đứa trẻ”- chị Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1959), cư trú tại tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, bắt đầu dòng hồi ức.

15 tuổi viết thư máu xung phong đi bộ đội

 

Bức ảnh chị chụp khi vừa tham gia quân ngũ. Ảnh: Lê Hòa
Bức ảnh chị chụp khi vừa tham gia quân ngũ. Ảnh: Lê Hòa

Sinh ra ở quê hương Hải Phòng, cả tuổi thơ là chuỗi ngày sống trong vất vả. Ba chị là người miền Nam ra Bắc tập kết, công tác tại Tổng cục Bưu điện. Khi chị tròn 5 tuổi và cô em gái Nguyễn Thị Kim Hoa (hiện là Phó ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ tỉnh Gia Lai) vừa lên 2, ba đã quay trở về quê hương miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Mẹ khi ấy làm công nhân tại Cảng Hải Phòng. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mọi thứ đều phải siết chặt, thắt lưng buộc bụng dành chi viện cho cuộc kháng chiến miền Nam đang đi vào giai đoạn quan trọng nhất.

Hải Phòng-thành phố sầm uất chỉ đứng sau Hà Nội thời bấy giờ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, bởi vậy, khi miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh, miền Bắc trở thành hậu phương lớn. Quê hương chị là mục tiêu của những đợt không kích ném bom đánh phá kinh hoàng của đế quốc Mỹ năm 1972 với quyết tâm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. “Người ta nói thời gian có thể làm lành mọi vết thương, tôi nghĩ chưa hẳn bởi hơn 40 năm qua, hình ảnh tan hoang của quê nhà, những cái chết của người dân quê tôi sau đợt ném bom năm 1972 chưa phút nào thôi ám ảnh tâm trí”- chị nói.

… Giữa tháng 5-1972, hay tin Mỹ sắp rải bom lên miền Bắc, cả trường đồng loạt được huy động đi nạo vét lại hầm hào chuẩn bị nơi trú ẩn. Khu vực cầu Tre nơi mẹ con chị đang sinh sống rất đông đúc, lại có 2 trường học là Trường Thái Phiên và Trường Lý Tự Trọng sát gần nhau. Đúng 9 giờ đêm 14-5, mặt đất bắt đầu rung chuyển bởi bom giặc, tiếng còi báo động vang khắp nơi… Không đầy 10 giờ sau, khi tiếng bom ngừng hẳn, mọi người đưa nhau ra khỏi hầm hào. Một cảnh tượng hoang tàn hiện ra trước mắt: những chiếc xe vội vã chở xác người đưa đi chôn cất, người mất đầu, mất chân tay và thậm chí cơ thể bị bom xé toang đến mức chẳng còn mấy phần lành lặn… “Bom giặc không có mắt, chúng giết cả những người dân vô tội, người thân, bạn bè tôi… Người lớn phải bịt mắt trẻ nhỏ với hy vọng để chúng tôi không phải nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng ấy. Đó là những hình ảnh khủng khiếp nhất về tội ác quân giặc đã gây ra trên quê hương tôi, nó ám ảnh tôi có hết phần đời còn lại”-chị Oanh, ngậm ngùi kể lại.

“Và 2 năm sau, khi vừa bước sang tuổi 15 tuổi, tôi quyết tâm viết thư máu, xin được vào bộ đội. Lá đơn được viết bằng máu do tự tôi chích ra từ đầu các ngón tay mình. Các bạn tôi cũng thế, họ gác lại đèn sách và ước mơ, lên đường mong góp sức cùng toàn dân đánh giặc”-chị Oanh, nói.

“Thép đã tôi thế đấy”

 

Chân dung chị Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh Lê Hòa
Chân dung chị Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh Lê Hòa

Phải vất vả lắm, đến tháng 8-1974, nguyện vọng của chị mới được đồng ý. Chị được sắp xếp cho nhập ngũ vào Lữ đoàn 919, Sư đoàn 315-Quân chủng Phòng không Không quân, đóng ở Gia Lâm, Hà Nội. Khi ấy, chị là chiến sĩ trẻ nhất đơn vị. “15 tuổi, một cô gái cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Có khác chăng, với tôi đã ý thức hơn về mối thù dân tộc, muốn góp sức mình cho cuộc chiến bảo vệ quê hương”- chị tâm sự.

“Tôi còn nhớ, vì ở nhà vốn được mẹ yêu chiều, tối nào cũng xoa đầu ru ngủ. Những ngày đầu quân ngũ, tôi không thể chợp mắt… Chị Quế cùng đơn vị thấy vậy đã hỏi han và rồi tự nguyện thay mẹ xoa đầu cho tôi mỗi tối, để tôi bước vào giấc ngủ xa nhà dễ dàng hơn”- chị Oanh, xúc động kể lại.

Tham gia khóa huấn luyện tân binh vốn áp lực, vất vả, với một cô gái tuổi mới lớn càng thử thách hơn. “Chỉ một lần lỡ xe, tôi phải chạy bộ vượt hơn 5 km từ cầu Thăng Long (cũ) về đơn vị nhưng đã muộn giờ tập trung 5 phút, tôi đã bị cấp trên nghiêm khắc phê bình. Được ưu ái nhưng kỷ luật thì 10 người như 1, không có sự du di. Đó cũng là bài học theo suốt bên tôi cho đến ngày hôm nay và là động lực để tôi rèn luyện, trưởng thành”- chị nghiêm giọng nói.

Lữ 919 khi ấy không phải là đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ, khai thác đường bay phục vụ các chuyến công tác của Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng thời, tiếp quản các sân bay sau khi quân ta làm chủ. “Tôi được giao nhiệm vụ gấp dù, đảm bảo dù phải được chuẩn bị chu đáo cho phi công và chiến sĩ khi tham gia đánh trận. Việc nhỏ nhưng vô cùng quan trọng khi nó có thể đảm bảo cho sinh mạng của người chiến sĩ”- chị Oanh, mô tả.

Những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, chị có mặt phục vụ trong đoàn công tác vào tiếp quản Sân bay Tân Sơn Nhất sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. “Lần đầu tiên khi đoàn đi ra đường phố Sài Gòn, mọi người vui mừng vây quanh. Họ tò mò và bất ngờ khi thấy một cô gái gương mặt còn rất trẻ trong bộ quân phục của lực lượng bộ đội không quân. Cảm xúc ấy với tôi vẫn còn vẹn nguyên, đó là niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc của một người lính”-chị nói, giọng đầy tự hào.

… Đất nước thu về một mối, mẹ và em gái vào Gia Lai-Kon Tum, chị cũng lên Gia Lai đoàn tụ cùng gia đình. Chị tham gia lớp đào tạo kế toán, sau đó làm việc tại Ty Thương nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Sau một vài lần chuyển qua đổi lại, năm 2002, cơ duyên kinh doanh đến khi một lần vào thăm các tỉnh miền Tây, thấy nông dân nuôi thủy sản trong này phải mua một loại hóa chất xử lý nước nhập về từ Thái Lan với giá thành khá cao. “Từ mối quan hệ bạn bè, tôi đã tìm ra thứ chất người ta dùng xử lý nước nuôi thủy sản thực chất là chất Daimentine và Zeolite có rất nhiều trong dung nham núi lửa. Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… là những địa bàn sở hữu khối lượng lớn các mỏ quặng này bởi những nơi đây, cách đây hàng triệu năm, núi lửa hoạt động rất mạnh”-chị chia sẻ. Bởi thế, Công ty TNHH Hải Phong ra đời, là sản phẩm kết tinh đầu tiên của chị và các đồng đội mới trên mặt trận kinh tế. Khi thị trường và nhu cầu sản phẩm này bão hòa, chị chuyển qua sản xuất phân vi sinh. Chị hiện tham gia điều hành công ty trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Nối tiếp thành công của Hải Phong, Công ty TNHH Khánh Bình tham gia trong lĩnh vực khách sạn, dịch vụ lưu trú, tiếp tục được thành lập. Trong số 4 người con của chị, thì 2 người con trai hiện đang đảm nhiệm vai trò là Giám đốc phụ trách Công ty.

Nói về cuộc sống hiện tại, chị bảo rằng, chị đã rất may mắn. May mắn khi là người được ở lại sau cuộc chiến, may mắn trên thương trường, trong cuộc sống và điều may mắn nhất là đã được trui rèn trong quân ngũ để có chị của ngày hôm nay… “Chưa bao giờ tôi ngồi kể về những gì mà đã và đang đóng góp cho đồng đội hay bất cứ ai đó, hãy cứ để tôi tự làm, tự biết và tự hiểu. Đó là câu chuyện của riêng tôi”- chị bày tỏ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm