Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 92% doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hoặc đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ... nhờ chuyển đổi số.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, tận dụng lợi thế của các nền tảng số cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tiếp thị, quảng bá, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, chế tạo, linh kiện điện tử… Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng GDP, nhất là trong 2 năm trở lại đây khi nền kinh tế đất nước phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số cũng còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và loay hoay khi không biết bắt đầu từ đâu. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), dù có khoảng 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nhưng phần lớn lại không biết bắt đầu từ đâu: Chuyển đổi số từ bộ phận sản xuất hay bán hàng? Nguồn tài chính lấy ở đâu? Dùng công nghệ của đơn vị nào? Thuê tư vấn hay tự làm?... Ngoài ra, có đến 92% doanh nghiệp không biết thế nào là chuyển đổi số!
Đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn lớn, chuyển đổi số cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn khi có nhiều trở ngại về pháp lý, quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng mô hình tổ chức, nghiệp vụ, dữ liệu và vận hành… Tình trạng này khiến việc chuyển đổi số chưa phát huy tối đa lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới-trở thành một doanh nghiệp số.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khuôn khổ mang tính quy luật để định hình chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp. Do đó, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin để lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, dựa trên cơ sở chiến lược hoạt động, nguồn lực, năng lực quản trị nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh.
Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023 diễn ra sáng 10-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Việt Nam cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các mục tiêu phát triển mang tính đột phá chiến lược của đất nước.
Với thông điệp “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững; đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra giá trị mới.
Chuyển đổi số là yêu cầu, đồng thời là mục tiêu thiết thực để doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức vươn ra biển lớn, đóng góp tích cực vào mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới, mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp; hoàn thành nhiệm vụ kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh toàn cầu nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường, người dân ấm no, hạnh phúc.