Chuyện gây quỹ Đoàn và những công trình dân sinh ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm theo các hoạt động Đoàn, chúng tôi chưa từng nghe việc có tổ chức đoàn nào vừa tự bỏ tiền quỹ, vừa huy động thanh niên bỏ ngày công cùng với địa phương làm đường liên thôn, đường nội đồng với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Bởi lẽ, thiếu kinh phí hoạt động luôn là câu chuyện “nóng” ở mọi diễn đàn dành cho thanh niên. Thế nhưng, tự gây quỹ với số tiền hàng trăm triệu đồng, thanh niên ở thôn Dơk Rơng, xã Gla (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã viết nên câu chuyện này.
Biến đất hoang thành vườn cà phê
Dẫn chúng tôi đi qua nhiều cung đường ngoằn ngoèo, anh Yưm-Bí thư Đoàn xã Gla quay lại giải thích: “Làm gì có đất ở gần cho thanh niên mượn”. Tiếp đó, chỉ vườn cà phê xanh tốt, trổ hoa trắng ngần, đều tắp trên cành, anh Yưm tự hào: “Cách đây 7 năm, khi UBND xã cho chúng tôi mượn mảnh đất này thì đây còn là một bãi đất hoang rộng gần 2 ha, cây dại mọc um tùm. Hàng trăm thanh niên của xã bắt tay khai hoang với biết bao gian khổ, nhất là dẹp bỏ những bụi tre mọc lâu năm, bám rễ sâu vào lòng đất. Lúc ấy, không nói ra nhưng mọi người đều chung suy nghĩ ái ngại, biết đến bao giờ vườn cây mới cho kết quả, nhất là vùng đất này đã bị cây tre hút hết chất dinh dưỡng”.
Thanh niên thôn Dơk Rơng có kinh phí hoạt động nhờ vườn cà phê này. Ảnh: H.N
Thế nhưng, đất không phụ người. Công sức lao động của thanh niên được đền đáp. Anh Pun-thôn Dơk Rơng, người gắn bó với vườn cà phê thanh niên từ những ngày đầu, cho biết: “Sau khi khai hoang, chúng tôi chia làm 10 tổ, mỗi tổ trồng, chăm sóc 130 gốc cà phê, vị chi là có 1.300 gốc, gắn trách nhiệm mỗi gốc cà phê với từng thanh niên. Các tổ thi đua nhau lắm, nên vườn cây phát triển nhanh, đều và đẹp như thế này. Mọi người đều rất tự hào với thành quả của mình. Sau vụ bói đầu tiên (năm 2007) với kết quả khả quan, những năm tiếp theo, vườn cây cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/vụ”.
Đây là số tiền đáng mơ ước với bất kỳ một chi đoàn nào. Yưm cho biết mục đích sử dụng nguồn quỹ đoàn rất lớn này: “Thu được số tiền lớn từ cà phê nhưng chúng tôi giữ lại rất ít làm quỹ và mua phân bón. Phần lớn số tiền còn lại, chúng tôi làm đường liên thôn cho xã. Đến nay, thanh niên đã làm được 2,5 km đường liên thôn trị giá 250 triệu đồng, chưa kể năm nào thanh niên cũng sửa chữa khoảng 1,5 km đường nội đồng.
Mỗi đợt như thế, có hàng trăm thanh niên hăng hái tham gia, huy động hàng chục xe chở nông sản của gia đình chở đất. Nếu mùa màng thuận lợi, cà phê được mùa, được giá như hiện nay, chúng tôi có thể làm thêm nhiều công trình dân sinh cho xã từ nguồn quỹ này”. Hiệu quả từ hoạt động gây quỹ này, thanh niên trong thôn tiếp tục mượn đất của xã trồng mới thêm 300 gốc cà phê vào tháng 6-2010. Đợt trồng mới này, nhiều thanh niên đã xung phong nhận chăm sóc chứ không cần đợi phân công như trước.
“Chắp cánh” nhiều hoạt động
Lý giải cho “sáng kiến” mượn đất gây quỹ, anh Yưm cho biết: Từ những năm trước, phong trào văn hóa thể thao (VHTT) của xã phát triển rất mạnh, nhất là bóng đá và bóng chuyền. Đây cũng chính là biện pháp tập hợp thanh niên nhanh và hiệu quả, nhất là người có đạo. Tuy nhiên lúc đó, quỹ đoàn nghèo đến nỗi không có tiền mua bóng cho thanh niên, sân bóng xuống cấp cũng không có kinh phí sửa chữa. Vì thế, nhiều phương cách được đưa ra để gây quỹ như: Tổ chức cho thanh niên đi làm thuê thời vụ, hái cà phê, làm cỏ mì, phụ hồ… nhưng không mấy hiệu quả. Khi ý kiến mượn đất của xã để trồng cây gây quỹ đưa ra và nhận được sự đồng thuận của đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thì câu chuyện quỹ đoàn mới có lời giải.
Đến nay, Gla là một trong những xã hiếm hoi mà ở cả 12 thôn, làng đều thành lập, duy trì thường xuyên được cả đội bóng đá nam và bóng đá nữ; chưa kể có hàng chục đội bóng chuyền. Nhiều môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, leo cây, bắn nỏ, việt dã… phát triển mạnh. Toàn xã có hơn 10 sân bóng đá và cũng chừng ấy sân bóng chuyền. Sau giờ lao động, thanh niên đến đây tham gia tập luyện và thi đấu thể thao.
Bí thư Đoàn xã cho hay: “ĐVTN có đạo chiếm số đông với khoảng 1.500 người/2.000 ĐVTN toàn xã. Việc thu hút, tập hợp họ vào với phong trào thông qua các hoạt động VHTT rất quan trọng. Nhiều công trình an sinh xã hội của xã có sự góp sức của phần lớn lực lượng thanh niên có đạo. Hàng năm, từ nguồn quỹ đoàn, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi, giao lưu VHTT và thu hút đông đảo ĐVTN tham gia”. Từ phong trào VHTT của xã đã xuất hiện nhiều hạt nhân tiêu biểu cho phong trào VHTT của huyện, đại diện cho huyện thi đấu ở các cuộc thi cấp tỉnh. Giải Việt dã Báo Gia Lai tổ chức hàng năm đều có thanh niên của xã Gla tham gia và gặt hái nhiều thành tích. Ngoài ra, một số thanh niên hiện đang thi đấu cho Câu lạc bộ Thái Sơn Nam (TP. Hồ Chí Minh) và Binh đoàn Tây Nguyên…”.
Học tập mô hình của thôn Dơk Rơng, thanh niên ở các thôn, làng trong xã đã mượn đất, khai hoang và bắt đầu trồng cà phê như thôn Groi 1 vừa trồng 600 cây cà phê, thôn Groi 2 trồng trên 1.000 cây… Với quỹ đất còn rộng như ở Gia Lai, nếu chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên mượn đất sản xuất nông nghiệp, những khó khăn về kinh phí hoạt động không chỉ được giải quyết thỏa đáng mà từ nguồn quỹ này thanh niên sẽ cùng chính quyền xây dựng nhiều công trình dân sinh thiết thực, ý nghĩa.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm