Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chuyện giữ lửa, xin lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện tuy xưa nhưng cũng chỉ chừng 30 năm về trước. Câu cách ngôn: “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau” đúng cả theo nghĩa đen. Hồi ấy, nguyên liệu chất đốt dùng trong sinh hoạt gia đình cả nước có nguồn gốc từ than cây, vỏ thân gỗ, mùn cưa, củi khô, rạ rơm, lá khô các loại... Họa hoằn lắm mới có gia đình dùng bếp dầu, chứ làm gì có bếp điện, bếp từ, bếp gas như bây giờ. Nên mới cần đến nguồn nhiệt gián tiếp để “kích lửa”. Câu chuyện giữ lửa, xin lửa có nguồn cơn từ đó.
Cũng cần nói thêm, hồi ấy, bao diêm rất hiếm và được cửa hàng mậu dịch bán phân phối theo hộ. Nhiều gia đình còn cất giữ các loại bật lửa, kể cả bật lửa zippo vốn khá thông dụng những năm trước 1975 ở miền Nam, nhưng để sử dụng được phải cần đến viên đá lửa và xăng/dầu hỏa; còn bấc thì có thể dùng bông lấy từ trái gòn khô. Nhưng 2 thứ này rất hiếm, nhất là xăng. Thế nên nhà nhà đều nghĩ đến việc giữ lửa bằng nhiều cách: ủ đóm than trong lớp tro tàn, thắp ngọn đèn dầu bấc thật nhỏ bên cạnh bếp… để khi cần thì nhóm lên, thổi bùng thành ngọn lửa.
Giữ lửa, xin lửa gắn liền với bếp núc (ảnh internet)
Giữ lửa, xin lửa gắn liền với bếp núc (ảnh internet)
Giữ lửa tuy được chú trọng, thế nhưng cũng có lúc “mất lửa”. Người quê đồng bằng, chất đốt phần nhiều lấy từ phế phẩm cây lương thực, lửa nhanh cháy nhanh tàn, chỉ độ tiếng sau là nguội lạnh hết cả. Giữ được lửa, nhất là vào mùa đông tháng giá khó lắm, đòi hỏi phải “tư duy”, mỗi nhà mỗi cách. Mất lửa là đồng nghĩa với “tắt đèn”. Thì sang nhà hàng xóm xin. Nghĩa gốc của câu cách ngôn đã dẫn là thế. Có thể chỉ là đóm than cho vào nùi rơm rồi ù chạy về, hay thắp lửa lên bấc đèn, đi lom khom tay chắn gió. Việc “xin lửa” lẫn nhau tuy diễn ra thường xuyên nhưng phải giữ ý giữ tứ, tránh vài điều kiêng kỵ như không được xin lửa vào sáng sớm, khi bếp nhà bên chưa lên lửa; xin lửa phải đi/về qua ngõ sau; tuyệt đối không được xin lửa trong 3 ngày Tết… Bởi lẽ, lửa là sức nóng, là cái sự “đỏ” (ngược nghĩa với  “lạnh” trong lạnh lẽo; “đen” trong đen đủi, rủi ro) nên lửa là niềm tin, là hy vọng, là nhiệt huyết, nhiệt thành, không dễ chia sớt cho ai!
Giữ lửa, xin lửa gắn liền với bếp núc. Việc này dành cho phụ nữ, trẻ con là chính. Vì vậy, khi đàn ông đi xin lửa dễ gây hiểu nhầm. Nói là hiểu nhầm cũng không hoàn toàn, vì có trường hợp… không nhầm tí nào. Thế nên các bà triệt để phương châm: “Bắt nhầm hơn bỏ sót”, cảnh giác vẫn hơn. Chuyện là có bác nông dân giải lao giữa buổi cày, muốn hút điếu thuốc mà ngặt nỗi lại chẳng có lửa nên “họ” trâu dừng, ghé bước vào nhà người đàn bà góa gần đấy xin lửa. Nhân lúc nhà vắng trẻ con, bên gian bếp hẹp kẻ cời than, người châm thuốc loay hoay thế nào mà “tức cảnh sinh tình” với nhau. Ăn quen bén mùi không nhịn được. Đến khi cái thai trong bụng chị ta không còn giấu đi đâu được, chuyện mới vỡ lẽ, cũng bởi “xin lửa” mà ra. Từ đấy, không chỉ vợ nhà anh ta, mà các chị đều ra sức cảnh giác khi đàn ông đi xin lửa là vậy.
Tôi còn nhớ, vào dạo những năm nước bạn Campuchia bị nạn diệt chủng, vị hôn phu của chị gái tôi gia nhập đội quân tình nguyện có gửi về tặng gia đình túi đá lửa dễ chừng đến dăm lạng làm quà. Đó là loại viên đá lửa màu đỏ, rắn và nhạy lửa hơn hẳn loại màu vàng, màu nâu xám. Ôi nó quý giá làm sao! Mẹ tôi cất giữ như thể cất giấu vàng. Bếp nhà từ độ ấy không còn lo giữ lửa. Mỗi lần đốt thuốc, cha tôi cũng không còn phải lui cui vào bếp. Hàng xóm đến chơi nhà xin lửa thường xuyên hơn. Mẹ tôi còn chia quà cho người cô ruột, cậu ruột chúng tôi.
Giờ đây, giá bán lẻ bao diêm chỉ 1.000-2.000 đồng, chiếc bật lửa gas có giá bán 2.000-3.000 đồng, rất sẵn ở mọi quầy tạp hóa, kể cả tận làng sâu. Câu chuyện giữ lửa, xin lửa với lớp người trẻ đã thành “cổ tích”.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm