(GLO)- Sau chiến thắng thực dân Pháp năm 1954, thực hiện Hiệp định Genève, đất nước ta tạm chia làm 2 miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng; miền Nam do thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn quản lý. Chúng thực hiện việc trả thù bằng nhiều thủ đoạn tàn bạo, nhất là chính sách “Tố cộng và diệt cộng”, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và ý chí đấu tranh của nhân dân miền Nam.
Từ năm 1955 đến 1959, ở miền Nam, chúng lập ra nhiều nhà tù, nhiều đoàn tố cộng, cùng lực lượng quân đội, cảnh sát, mật vụ đi vây ráp, bắt bớ, tra tấn, bắn giết và tù đày những người kháng chiến, có quan hệ với cách mạng, những người đấu tranh chống lại chúng, kể cả các giáo phái như Hòa Hảo, Cao Đài.
Một góc xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) hiện nay. Ảnh: Đức Thụy |
Tháng 4-1957, ngụy quyền Sài Gòn chuyển 850 tù nhân chính trị bị bắt trong các năm 1955-1956 ở các tỉnh Tây Nam bộ ra giam giữ tại 2 trung tâm cải huấn ở Pleiku (tỉnh Gia Lai) và Phú Thạnh (tỉnh Bình Định). Sau khi cải huấn, chúng dự định đưa số tù nhân này ra định cư ở các dinh điền, nhưng tù nhân đấu tranh quyết liệt không đi nên chúng đưa đi lao động khổ sai ở các công trường, trong đó có công trường sân bay dã chiến Đức Cơ.
Cuộc vượt ngục lần thứ nhất
Đầu năm 1958, địch đưa 200 tù nhân chính trị từ trại cải huấn Pleiku lên lao động khổ sai ở công trường sân bay dã chiến Đức Cơ. Công trường này cách Chư Ty 11 km về phía Tây (nay thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), cách biên giới Campuchia 12 km. Đây là điều kiện thuận lợi để anh em tù chính trị nghĩ đến chuyện vượt ngục sang tị nạn ở đất Campuchia. Công trường này do một đơn vị của Trung đoàn 181 quản lý, dưới sự chỉ huy của Trung úy Rah Lan Neang và Chuẩn úy Ksor Do cùng 4 sĩ quan và 39 lính, đều là người dân tộc thiểu số. Đơn vị này được trang bị 2 súng trung liên, 11 súng tiểu liên thompson, 2 súng carbin, 16 súng garand và 1 súng lục, 1 máy truyền tin SCR và 2 xe GMC, có 4 lều gác và 11 nhà tranh. Tại đây đã diễn ra cuộc vượt ngục đầy mưu trí và quả cảm của các chiến sĩ cách mạng.
Trong thời gian bị giam giữ và lao động khổ sai, anh em tù chính trị đã giữ vững ý chí kiên trung bất khuất, nuôi dưỡng quyết tâm tìm mọi cách, mọi cơ hội để trở về với cách mạng. Được biết, Campuchia lúc bấy giờ có nhiều thiện cảm với cách mạng Việt Nam nên đây là cơ hội tốt để tổ chức vượt ngục. Trong thời gian này, ở huyện Chư Prông (một phần hiện nay thuộc huyện Đức Cơ), nơi tù chính trị bị giam giữ, có phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân rất mạnh đòi hiệp thương, tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève, chống chiếm đất lập dinh điền và chống địch tố cộng. Các phong trào này có tác động lớn đến tù chính trị, nhưng rất tiếc lực lượng cách mạng tại địa phương chưa bắt liên lạc được với tù chính trị và ngược lại.
Để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục, trước đó 3 tháng, anh em tù chính trị đã phân công người làm quen với sĩ quan địch để xem bản đồ, dò tìm xác định hướng đi; nhân lúc địch đưa tù chính trị đi chặt tre, chặt cây vùng gần biên giới... để tìm hiểu về địa hình đường sá; phân công người theo dõi mọi hoạt động hàng ngày của sĩ quan, binh lính để tận dụng các sơ hở và có kế hoạch đối phó. Ngoài ra, anh em tù chính trị còn chuẩn bị các thứ cần thiết như: bản đồ, lương thực, thực phẩm, thuốc men... Ban lãnh đạo bí mật của trại lúc bấy giờ gồm các anh: Võ Trường Thành, Phan Văn Diệp, Nguyễn Văn Thanh.
Mọi việc chuẩn bị cơ bản đã gần xong, chỉ chờ có thời cơ thuận lợi là hành động. Chẳng may đầu tháng 6-1958, địch đưa xe đến chở 107 tù chính trị ở đây về Pleiku. Như vậy, tại công trường, số tù chính trị chỉ còn lại 93 người. Lúc này, ban lãnh đạo nhận định nếu không hành động sớm sẽ mất cơ hội.
Hôm đó, chiều thứ bảy ngày 7-6-1958, địch phân tù chính trị ra làm nhiều nhóm: nhóm ra rừng chặt cây, nhặt cành gồm 70 người, có 12 lính theo canh giữ; nhóm gánh nước 10 người, có 2 lính đi theo; nhóm đi lấy củi 8 người, 2 lính gác; nhóm nấu cơm 5 người, 4 lính gác. Số lính và sĩ quan còn lại ở trong trại, có một số để súng trong trại, ra ngoài đánh bóng chuyền.
Đúng theo kế hoạch, 16 giờ 30 phút ngày 7-6-1958, khi nghe khẩu lệnh, tất cả anh em tù chính trị đều đứng lên hành động. Theo phân công, 3 tù chính trị tự tước vũ khí của 1 lính gác. Nhóm 70 người chặt cây ngoài rừng, trong vòng 20 phút đã bắt trói 12 lính và sĩ quan vào gốc cây, thu toàn bộ vũ khí, nhanh chóng chạy về hỗ trợ cho số anh em ở trại. Cùng thời gian trên, các nhóm tù chính trị ở trại cũng bắt trói binh lính và sĩ quan, thu vũ khí, phá hủy 1 máy truyền tin và 2 xe GMC. Số lính còn lại thấy vậy bỏ trại chạy trốn vào rừng. Số vũ khí thu được là 24 súng, trong đó có 2 súng trung liên, 8 súng tiểu liên thompson, 2 súng carbin, 11 súng garand và 1 súng lục; phía tù chính trị có 1 người hy sinh là anh Võ Văn Ngân (41 tuổi) và 2 người tù chạy lạc trong rừng nên bị địch bắt lại. Sau khi thu xong vũ khí, cả đoàn tù chính trị cấp tốc rút chạy về hướng biên giới để sang Campuchia.
Cuộc nổi dậy của 93 tù chính trị tại công trường sân bay dã chiến Đức Cơ diễn ra táo bạo, dũng cảm, nhanh chóng theo kế hoạch được chuẩn bị bí mật, chu đáo từ trước, phối hợp nhịp nhàng tạo sự bất ngờ, khiến địch không xoay xở kịp. Sau cuộc nổi dậy vượt ngục thắng lợi, chiều hôm đó khi nhận được tin báo, địch đưa 1 trung đội bảo an ra ứng cứu nhưng đã quá muộn. Đến 23 giờ cùng ngày, tên Đại úy-Chỉ huy trưởng Trung đoàn 181 đến hiện trường thì chỉ nhận được một bức thư dài viết sẵn của tù chính trị để lại, gửi cho Đại tá Đỗ Cao Trí-Tư lệnh Quân đoàn II. Liên tiếp từ ngày 8 đến 12-6, địch tổ chức nhiều cuộc lùng sục vùng biên giới, có lúc đi sâu vào đất Campuchia 3 km. Tỉnh trưởng Pleiku đã gửi nhiều điện mật cho Phủ Tổng thống Sài Gòn để nhờ hỗ trợ truy tìm và bắt lại số tù chính trị đã đào thoát, nhưng đều vô hiệu.
Sự kiện vượt ngục tập thể của tù chính trị ở công trường sân bay dã chiến Đức Cơ năm 1958 đã gây chấn động trong hàng ngũ địch, trong nhân dân không những ở Gia Lai mà cả ở một số tỉnh Nam bộ, nhất là ở Bến Tre, Mỹ Tho, Sóc Trăng-quê hương của các anh em tù chính trị.
Cuộc vượt trại lần thứ 2
Khi đoàn tù chính trị vượt ngục sang đất Campuchia, nơi đầu tiên họ đặt chân là huyện Bô Keo. Họ giao nạp vũ khí cho chính quyền địa phương và xin được tị nạn chính trị, sau đó chuyển lên ở trại Sơrêpăk thuộc tỉnh Stung Treng. Trong thời gian này, chính quyền Sài Gòn có yêu cầu chính quyền sở tại của Campuchia trao trả số tù chính trị trên cho họ, nhưng nhờ có Ủy hội Quốc tế can thiệp nên chính quyền Campuchia không giao trả.
Sau 1 tháng điều tra, lập hồ sơ từng người, được sự giúp đỡ của Ủy hội Quốc tế, sang năm 1959, 90 tù chính trị vượt ngục được chính quyền Campuchia công nhận, được tị nạn chính trị theo Quy chế Quốc tế. Tại trại tị nạn Sơrêpăk, nhà ở anh em tự làm lấy, chung quanh có rào kẽm gai, bên ngoài của Ban Quản lý trại có đồn lính Campuchia canh giữ. Về vật chất, họ tự lao động, sản xuất là chính, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Anh Nguyễn Văn Nốp cho biết: Trong thời gian bị giam giữ và lao động ở Stung Treng, anh em tù chính trị vẫn sinh hoạt Đảng, Đoàn, chính anh là người được kết nạp Đảng ở đây ngày 19-5-1960. Trong trại, anh em luôn động viên nhau giữ vững tinh thần, ý chí, tìm mọi cơ hội để trở về Việt Nam hoạt động. Hàng ngày, anh em dành dụm tiền, chuẩn bị lương khô, muối ăn, sữa, thuốc chữa bệnh, nhất là bản đồ để khi có cơ hội tổ chức vượt trại về Việt Nam. Trong số tù chính trị có anh Trần Văn Đắc là người thông thạo tiếng Pháp được cử làm thông dịch để quan hệ với chính quyền, các công chức và sĩ quan Campuchia, qua đó tìm được 4 tấm bản đồ cung cấp cho 4 đoàn khi vượt trại.
Trong thời gian ở trại, anh em tù chính trị tìm mọi cách bắt liên lạc với Trung ương cục miền Nam để xin ý kiến chỉ đạo. Rất may, khi tiếp xúc với Ủy hội Quốc tế, đoàn tù chính trị được gặp nhà báo Ngô Điền; nhờ nhà báo nên tháng 9-1959, anh em tù chính trị đã liên lạc được với Trung ương cục miền Nam. Được sự giúp đỡ của trên, tháng 11-1959, nhóm tù chính trị thành lập Đảng bộ (22 đảng viên), chi đoàn Thanh niên (20 đoàn viên) và Ban Đại diện của trại để tiếp xúc với chính quyền địa phương và Ban Quản lý trại.
Trong thời gian 5 năm, từ tháng 6-1958 đến tháng 6-1963, có 5 anh em tù chính trị qua đời vì đau ốm, đồng thời tiếp nhận thêm 8 anh em tù chính trị Côn Đảo vượt ngục về Cà Mau nhưng bị lạc qua Campuchia, bị giữ lại và đưa về đây.
Kế hoạch vượt trại được Trung ương cục nhất trí, nhưng với điều kiện phải tự lực vì không móc nối được cơ sở dẫn đường. Cuộc vượt trại bắt đầu từ 18 giờ ngày 10-10-1963 tại Sơrêpăk, toàn trại chia làm 4 đoàn, hẹn gặp nhau tại một điểm cách trại 13 km. Nhưng do không gặp được tại đây nên các đoàn tự tìm về điểm hẹn cuối là các trạm giao liên trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) để về Trung ương cục. Mỗi người chỉ mang theo 5 ngày lương thực nhưng đường đi kéo dài hàng nửa tháng nên phải đào củ rừng ăn để sống.
Đường về đất mẹ vô cùng gian nan vất vả. Cuối cùng, đoàn số 1 và số 3 gồm 49 người đã tìm gặp được trạm giao liên của khu VI, nhờ trạm chuyển anh em về Trung ương cục. Đoàn số 2 có 20 người, dự định về Trạm giao liên Phước Long nhưng chẳng may gặp lính Đồn Biên phòng của Campuchia bắt giữ và đưa trở lại trại Sơrêpăk. Đoàn số 4 có 24 người tìm về hướng Buôn Ma Thuột, trên đường đi chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất có 9 người đã tìm gặp được trạm giao liên ở Buôn Ma Thuột, nhóm thứ 2 có 15 người bị biệt kích địch vây bắt và đưa ra nhà tù Côn Đảo.
*
Sự kiện 93 tù chính trị yêu nước 2 lần vượt ngục đã nói lên tội ác và sự tàn bạo của kẻ thù cũng như lòng yêu nước, kiên trung bất khuất của tù chính trị. Dưới chế độ hà khắc của trại giam, anh em tù chính trị vẫn sinh hoạt Đảng, sinh hoạt Đoàn, vẫn động viên nhau giữ vững khí tiết, nung nấu quyết tâm, tạo mọi cơ hội để trở về với Đảng, với nhân dân. 2 lần vượt ngục thành công, ngoài ý chí quyết tâm cao, nhóm tù chính trị còn có sự chuẩn bị công phu, chu đáo, mặc dù thời gian chuẩn bị dài và tập thể có đông người nhưng vẫn giữ được bí mật tới cùng, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao. Đây chính là bài học thành công trong phong trào đấu tranh cách mạng.
Ngô Thành
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy