Phóng sự - Ký sự

Chuyện lạ 'xứ Tây': Già làng viết sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Già Bríu Pố (74 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, H.Tây Giang, Quảng Nam) được nhiều người biết đến với biệt danh 'vua ba kích', hay người Cơ Tu đầu tiên có bằng cử nhân. Thế nhưng, ít ai biết rằng, vị già làng này đang chuẩn bị in một cuốn 'bách khoa thư' về đồng bào mình.

"NỢ NÀY AI TRẢ ?"

"Năm 1938, người Pháp có tên Le Pichon khi khảo sát về nhà mồ của người Cơ Tu đã bày tỏ sự ngỡ ngàng về mô thức dựng nhà cũng như các phù điêu, tượng tròn trang trí. Từ góc độ nghệ thuật nhà mồ, Le Pichon đã có những đánh giá rất tốt đẹp về nền văn hóa Cơ Tu từ rất sớm. Điều dễ hiểu là văn hóa bản địa bị mai một khi đất nước trải qua 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Nhưng ngay cả khi đất nước hòa bình, nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu đứng trước nguy cơ mai một… Bố rất trăn trở trước điều đó", già Pố cung cấp thông tin rất khoa học trước khi kể về cuốn sách mà già đã chấp bút 23 năm qua.

Ở tuổi 74, già Bríu Pố vẫn miệt mài viết sách về đồng bào Cơ Tu. Ảnh: HOÀNG SƠN

Già kể, năm 1977, già tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành sinh vật học, trở thành người Cơ Tu đầu tiên có bằng cử nhân. Già Pố về nhận công tác tại Phòng Giáo dục H.Hiên (cũ). Một thời gian làm việc, già không chấp nhận những điều sai trái, tiêu cực… nên quyết định về xã Lăng để ở ẩn. Nhưng rồi về quê, chứng kiến cảnh cán bộ xã học chưa hết tiểu học, đời sống người dân còn cơ cực, già lại trở lại làm cán bộ xã với tâm niệm, dùng những hiểu biết, kiến thức của mình để giúp đồng bào thay đổi cuộc sống. Nhiều năm liền làm chủ tịch rồi đến Bí thư Đảng ủy xã Lăng, bàn chân già Bríu Pố giẫm mòn các bản làng và nhận ra rằng, sự tiếp biến văn hóa miền xuôi khiến cho bản sắc văn hóa người Cơ Tu đang bị bào mòn.

"Tôi rất buồn khi nhiều người lạ ghé thăm các bản làng bảo rằng nghệ thuật mồ mả Cơ Tu đã biến dạng, ngôn ngữ Cơ Tu bị pha trộn, kiến trúc nhà ở mờ nhạt… Đó là câu chuyện đời sống còn ở góc độ kiến thức văn hóa người Cơ Tu, thậm chí đã có những ngộ nhận "chết người". Người ghi chép không đáng trách mà người kể thiếu hiểu biết đã gây nên những hiểu nhầm, bôi bác Cơ Tu chúng tôi…", già Pố nói. Dẫn câu chuyện về "giặc mùa" suốt một thời gian lan truyền trong cộng đồng, già Pố cho biết có người gọi đó là "tục săn máu" đầy man rợ của người Cơ Tu từ xa xưa. Với ước mong mùa màng bội thu, gặp nhiều may mắn mà người Cơ Tu chém giết lẫn nhau để lấy máu tế thần linh.

Già Pố tiếp: "Cơ Tu rất sợ máu, nhất là những cái chết xấu gây chảy máu. Bởi vậy, ngàn đời qua, chúng tôi không bao giờ lấy máu người để cúng bái. Thật ra câu chuyện "giặc mùa" chỉ là những cuộc trả thù lẫn nhau vì mâu thuẫn đất đai, con nước hay thậm chí là vì một người đàn bà đẹp… giữa các làng mà thôi. Những ngộ nhận đó là một món nợ đối với đồng bào mình. Vậy nợ này ai trả…?".

Bản thảo của cuốn sách viết về người Cơ Tu do già Bríu Pố viết dày lên theo năm tháng

VÌ 2 TIẾNG CƠ TU

Là một người cương trực, thẳng thắn lại được học hành, đào tạo bài bản vậy nên những thông tin, câu chuyện không chính xác về người Cơ Tu khiến già Bríu Pố hết sức đau lòng. Già bảo nếu không có những điều chỉnh, đính chính thì vô hình trung những câu chuyện như thế sẽ làm lệch lạc văn hóa người Cơ Tu. Bởi vậy, từ năm 2000, khi còn là Bí thư Đảng ủy xã Lăng, già đã bắt đầu viết cuốn sách mà già bảo đó là "cuốn sách cuộc đời". Bằng kinh nghiệm, trải nghiệm của mình, già Pố đã cất công vào tận những bản làng heo hút để tìm gặp những già làng và nghe họ kể chuyện. Già Pố tỉ mỉ ghi chép, nghiên cứu, đối chiếu, chỗ nào chưa rõ thì dừng để tiếp tục tìm hiểu, chỗ nào đã tỏ thì viết cho đến tận cùng ngóc ngách.

Năm 2005, già Bríu Pố "cáo quan về hưu" trước 2 năm. Nhường lại vị trí cho thế hệ trẻ, già Pố dốc hết tâm sức để tiếp tục viết cuốn sách. Ngày ngày, già lên duông (nhà trên rẫy) chăm ao cá, nương ba kích (một loại dược liệu quý do già nhân giống thành công) rồi hí hoáy viết tay tất tần tật những câu chuyện về người Cơ Tu. "Bố tâm niệm, biết gì thì cứ viết ra hết đi. Còn không viết chữ nào thì sẽ trôi tuột. Rồi những đẹp đẽ, nhất là những câu chuyện văn hóa phi vật thể Cơ Tu sẽ biến mất. Chỉ cần viết được 50 - 70% về đồng bào mình, bố cho như thế đã là quá tốt", già Pố nói.

23 năm qua, bản thảo viết tay của già Pố cứ thế dày lên với hàng trăm trang. Những ngày trên duông ở ẩn như một kẻ sĩ, già Pố lại có thêm nhiều thời gian suy nghĩ nên câu chuyện về người Cơ Tu cứ thế dài ra. Từ lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa phi vật thể, thể thao, y học… cho đến những vật hữu hình như nhà cửa, kiến trúc làng bản đều được già Pố đề cập chi tiết, thẩm định, đối chiếu bài bản với các tài liệu cũng như với các già làng uy tín ở khắp các địa phương. "Vì sao đến 23 năm rồi mà cuốn sách vẫn chưa xong?", già Pố hỏi rồi trả lời: "Là vì, đồng bào Cơ Tu sinh sống trải dài từ A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) cho đến Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) có đời sống văn hóa hết sức phong phú. Những điều bố biết, bố không thể bỏ qua được…".

Ở cái tuổi đã ngoài 70, biết rằng viết sách sẽ tổn hao tâm sức, trí lực nhưng với cá tính muốn đi tận cùng của vấn đề nên già chưa cho phép mình dừng bút. "Bố không còn nhiều thời gian nữa nên kế hoạch là giữa năm 2024, bố sẽ đem in. Nếu không kịp, những đứa con của bố sẽ kế tục. Vì 2 tiếng Cơ Tu thân yêu bố muốn cuốn sách sẽ là một công trình hữu ích để con cháu mai sau biết về nguồn cội của dân tộc, để thế hệ trẻ tự hào mà góp sức bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa…", già Pố trải lòng.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm