Phóng sự - Ký sự

Nỗ lực 'vá' rừng bằng cây gỗ lớn, bởi... 'mở mắt đã thấy rừng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong tâm thức cộng đồng ở vùng cao ở TP.Đà Nẵng rừng xanh không chỉ là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên và với thế hệ con cháu sau này... bởi lẽ "mở mắt ra là đã thấy rừng".

Nỗ lực trồng cây gỗ lớn thay thế cây keo

Cách đây mười mấy năm, ông Nguyễn Văn Trung (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) quyết định bỏ phố để về vùng núi phía tây thành phố để làm kinh tế rừng. Trong ký ức của người đàn ông ngoài 70 tuổi này, hồi đó, so với việc đốn cây "vô tội vạ" để lấy gỗ, khái niệm trồng rừng ở xã miền núi Hòa Bắc vẫn chưa được nhiều người quan tâm, hầu hết người dân chỉ tập trung vào trồng cây keo tràm.

"Ngày về với rừng, ba anh em tôi mua một quả đồi với ý định sẽ trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Thế nhưng, tôi không chọn trồng cây keo tràm như 2 người còn lại, tôi chọn trồng cây gỗ lớn để "vá" những khoảng rừng loang lổ của Hòa Bắc thời điểm bấy giờ", ông Trung nhớ lại.

Việc chuyển đổi trồng cây gỗ lớn bản địa thay thế việc trồng cây keo đã được người dân ở H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đồng thuận. Ảnh N.H
Việc chuyển đổi trồng cây gỗ lớn bản địa thay thế việc trồng cây keo đã được người dân ở H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đồng thuận. Ảnh N.H

Trải qua những ngày tháng ăn ngủ giữa núi rừng, quả đồi trọc 40 ha của ông Trung ngày đó, giờ đây đã được phủ xanh bởi cây dó, cây quế, cây sưa đỏ…

"Lúc đó, nhiều người cho rằng tôi khùng, họ có khuyên tôi trồng cây keo để thu hoạch nhanh, lợi ích kinh tế lớn nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Để duy trì sinh kế, tôi mua bò giống để thả trong rừng, 3 ha diện tích ở chân đồi thì tôi trồng các loại cây ăn quả, cây ngắn ngày, đào ao thả cá…", ông Trung nói.

Ông Trung tự hào kể thêm về chuyện gia đình đã chủ động tham gia hợp đồng giao khoán dịch vụ môi trường rừng với BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng), từ đó gia đình ông Trung có thu nhập đáng kể từ việc này.

"Đó là những chủ trương ý nghĩa, thiết thực để vừa giữ rừng bền vững, vừa giúp người dân hưởng lợi từ chính những cánh rừng mà mình gắn bó. Khi rừng cho con người ta mọi thứ, thì con người càng phải có trách nhiệm gìn giữ màu xanh của rừng. Thêm nữa đối với người dân ở đây, mở mắt ra là thấy rừng nên ai cũng ý thức bảo vệ rừng là xây dựng sự bình yên ở vùng biên, đó là trách nhiệm đối với con cháu", ông Trung nói.

Bên cạnh trồng rừng để phát triển kinh tế, người dân địa phương đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng. Ảnh N.H
Bên cạnh trồng rừng để phát triển kinh tế, người dân địa phương đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng. Ảnh N.H

Thời gian gần đây, khi sạt lở đất xảy ra nhiều ở khu vực miền núi, chính quyền địa phương đã vận động trồng rừng cây gỗ lớn, ông Trung cũng là một trong những hộ tiên phong, đăng ký nhận trồng cây gỗ lớn bản địa.

"Phải mất hơn 10 năm, những hộ dân xung quanh mới dần thay đổi được nhận thức, thấy được tác hại của việc phụ thuộc vào cây keo đối với đất, với đa dạng sinh học tự nhiên. Nhưng không bao giờ là quá muộn để thay đổi, nếu thế hệ chúng ta bắt đầu thì thế hệ sau sẽ được thụ hưởng, được rừng xanh bảo vệ", ông Trung nhấn mạnh.

Gác lại kinh tế để giữ rừng cho thế hệ sau

Vừa nhận được cây giống Sao Đen từ chương trình phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn Đà Nẵng (theo Nghị quyết 254 năm 2019 của HĐND TP.Đà Nẵng), ông Thiều Song (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, H.Hòa Vang) cùng hàng chục người lao động ngày ngày phơi nắng, dầm mưa để trồng hơn 1 ha rừng cây gỗ lớn.

Đợt nắng gay gắt đã qua đi, những cơn mưa đầu mùa giúp hàng ngàn cây Sao đen của ông Song đâm chồi, vươn mình khỏe khoắn trên khoảnh rừng vốn bao đời nay chỉ trồng keo. Hướng mắt về cánh rừng thăm thẳm, ông Song kể rằng vào đầu năm 2023, khi được UBND xã Hòa Phú vận động chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, vợ chồng ông Song đã mất nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ.

Ông Thiều Song (trái) tiên phong trong việc chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn ở địa phương. Ảnh N.H
Ông Thiều Song (trái) tiên phong trong việc chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn ở địa phương. Ảnh N.H

"Bỏ qua lợi ích kinh tế khi trồng cây keo tràm vì chỉ 4 - 5 năm là khai thác, thu tiền rồi. Còn bây giờ tham gia chuyển hóa, phải chờ 8 - 10 năm mới thu hoạch. Điều đáng nói là kinh tế gia đình tôi chỉ trông vào trồng rừng. Bàn bạc với vợ cùng các con, ông quyết định đăng ký tham gia, chuyển hóa hơn chục ha keo sắp đến độ thu hoạch, bỏ qua nguồn thu vài trăm triệu trước mắt hướng đến bảo vệ rừng bền vững", ông Song nhớ lại.

Ông Trung, ông Nghĩa là hai trong số 280 hộ dân tham gia hợp đồng giao khoán dịch vụ môi trường rừng với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Cụ thể, có 140 hộ ở xã Hòa Bắc, 80 hộ tại các xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh cùng 60 hộ tại xã Tư (H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chủ yếu là đồng bào Cơ tu sống dựa vào rừng xanh.

Tham gia mô hình này, các hộ dân đã cam kết không vi phạm, không xâm hại đến rừng, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ theo dõi, báo cáo những tình huống bất thường trên địa bàn rừng với lực lượng chức năng, ngoài ra còn được hưởng lợi từ nhiều mặt khác.

"Ngày xưa khi diện tích rừng tự nhiên nhiều, bà con sống dựa vào rừng. Rừng cho vỏ cây để đan lát; cho thức ăn, cây thuốc; nước tưới, nước uống cũng chảy về từ rừng. Bây giờ, việc trồng cây keo ảnh hưởng chất lượng các lớp đất sinh trưởng bởi cây keo không giữ được nước. Khi "nước không còn là của trời", đất sẽ vơi đi màu mỡ, đời sống con người ảnh hưởng theo. Từ đó, mô hình "đồi giữ nước" được HTX triển khai, phân rừng ra các tầng. Quá ám ảnh trước những quả đồi trọc chực chờ sạt lở, người Hòa Bắc dặn nhau rằng: "Nước là động lực của sự phát triển - Muốn có nước thì phải giữ rừng..."

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), cho biết trên địa bàn xã có khoảng 6.500 ha rừng do xã quản lý, còn lại khoảng mười mấy nghìn ha rừng thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa quản lý. Hằng năm, từ hai nguồn này, mỗi hộ dân tham gia ở thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) sẽ được hỗ trợ 10 - 20 triệu để trồng, bảo vệ rừng.

Trong tâm thức người dân, rừng không chỉ là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên, trách nhiệm với thế hệ sau. Ảnh: N.H
Trong tâm thức người dân, rừng không chỉ là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên, trách nhiệm với thế hệ sau. Ảnh: N.H

Theo ông Huỳnh Tấn Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, trồng rừng vốn là sinh kế chính của người dân địa phương, người dân chủ yếu trồng cây keo với chu kỳ khoảng 4 - 5 năm thì khai thác. Vì vậy, việc vận động người dân trồng mới hoặc chuyển hóa sang cây nguyên liệu gỗ lớn gặp nhiều khó khăn bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

"Tuy nhiên, với sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều chủ rừng với diện tích rừng trồng lớn đã đồng ý chuyển đổi. Chính quyền địa phương cũng hiểu được việc chuyển đổi phải thực hiện từng bước để bà con có thể lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo sinh kế. Điều quan trọng hơn hẳn đó là nhận thức của người dân về việc bảo vệ, phát triển rừng", ông Sinh nói.

Người dân H.Hòa Vang đã đồng thuận "vá" rừng bằng cây gỗ lớn, đó là kết quả mang ý nghĩa lớn của công tác dân vận trong bảo vệ rừng và sự nỗ lực của địa phương trong suốt thời gian qua. Ảnh: N.H
Người dân H.Hòa Vang đã đồng thuận "vá" rừng bằng cây gỗ lớn, đó là kết quả mang ý nghĩa lớn của công tác dân vận trong bảo vệ rừng và sự nỗ lực của địa phương trong suốt thời gian qua. Ảnh: N.H

Theo Ban chỉ đạo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp TP.Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, sau 3 năm thực hiện chiến lược này (2021 - 2023), TP.Đà Nẵng thu dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 25,5 tỉ đồng, có 586 hộ nhận khoán theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng của thành phố.

Giai đoạn này, diện tích trồng rừng sản xuất tập trung đạt 4.038,31 ha; trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt 423,1729 ha. Diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 365,35 ha. Diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh đạt 346,837 ha. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 422.120 m3. Chất lượng rừng tự nhiên tăng, diện tích rừng giàu đạt 18.986,53 ha.

Theo Ngọc Hân (TNO)

Có thể bạn quan tâm