Với tinh thần “nói đi đôi với làm”, anh Linh đã tạo được dấu ấn riêng khi thực hiện hiệu quả nhiều mô hình như: shop “0 đồng”, “Biến rác thành tiền”, “Sinh kế-tiếp sức thanh niên”.
Nhiều mô hình ý nghĩa
7 giờ sáng ngày chủ nhật, shop “0 đồng” tại làng Al Gôn tấp nập người đến lựa chọn quần áo, tiếng cười nói rộn vang một góc làng.
Những bộ quần áo đã qua sử dụng được giặt sạch sẽ, là ủi thẳng thớm treo cẩn thận trên kệ. Là khách hàng quen thuộc của shop “0 đồng”, bà Kpuih Tệt (làng Al Gôn) bày tỏ: “Áo quần ở đây rất đa dạng, được phân loại kỹ lưỡng từ đồ người lớn đến đồ trẻ em. Áo quần sạch, đẹp nên mình thường xin về mặc, tiết kiệm chi phí mua sắm”.
Shop “0 đồng” được Đoàn xã Ia Din phối hợp cùng Ban Nhân dân làng Al Gôn triển khai từ tháng 7-2023, bố trí trước sân quán tạp hoá ông Sáu-đối diện với điểm trường làng Al Gôn (Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân). Thông điệp của shop “0 đồng” là “Ai cần đến lấy, ai dư đến cho” và “Hãy lấy vừa đủ dùng-Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.
Nói về mô hình này, anh Linh cho hay: “Mỗi lần về cơ sở, chứng kiến cảnh một số người dân cũng như các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn không có bộ quần áo lành lặn để mặc, tôi nảy sinh ý tưởng giúp đỡ bà con bằng việc làm cụ thể.
Tôi cùng Ban Chấp hành Đoàn xã kết nối với nhiều nơi để xin quần áo đã qua sử dụng, sau đó, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phân loại, giặt giũ sạch sẽ và treo gọn gàng trên kệ. Bà con ai cần thì đến lựa chọn mang về sử dụng”.
Ngoài đặt cố định, mỗi tháng, Đoàn xã Ia Din tổ chức 3-4 đợt lưu động để tặng áo quần tại các làng: Yít Rông 2, Nẻh, Yít Tú. Từ khi ra mắt đến nay, shop “0 đồng” đã trao 25.000 bộ quần áo cùng hàng trăm đôi dép, sách vở, ba lô, dụng cụ học tập... cho học sinh và người dân.
Cũng hướng đến cộng đồng, tháng 7-2024, anh Linh triển khai mô hình “Biến rác thành tiền” nhằm gây quỹ hỗ trợ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Để triển khai mô hình này, anh Linh lắp đặt một ngôi nhà bằng sắt với diện tích 2x4 m ở một góc khuôn viên UBND xã Ia Din.
Mô hình đã nhận được sự đồng tình của Đảng ủy, UBND xã. Anh Linh vận động ĐVTN tích cực thu gom phế liệu, rác thải nhựa tại gia đình hoặc trên các tuyến đường trong khu dân cư rồi mang đến điểm tập kết.
Với tinh thần tự giác, các ĐVTN chủ động gom rác thải nhựa đến ủng hộ mô hình. Mỗi tháng 1 lần, Đoàn xã gom phế liệu bán rồi mua sách vở, dụng cụ học tập giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy số tiền tích lũy không lớn nhưng qua mô hình “Biến rác thành tiền” đã tạo được thói quen tiết kiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho ĐVTN cũng như người dân.
Chị Rơ Mah Đa Ny-Bí thư Chi Đoàn làng Yít Rông 2-chia sẻ: “Lúc đầu, chỉ có vài người tham gia. Dần dần, hiểu rõ ý nghĩa của mô hình, các ĐVTN tích cực hưởng ứng. Nhiều người dân đem phế liệu đến ủng hộ mô hình. Nhờ tích cực tuyên truyền, bà con trong làng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng xả rác thải bừa bãi như trước đây”.
“Cắt tóc tình nguyện” cũng là hoạt động ý nghĩa do anh Linh sáng lập từ tháng 11-2023. Tham gia hoạt động này có các thành viên Ban Chấp hành Đoàn xã cùng một số thợ cắt tóc trên địa bàn. Chỉ với vài chiếc ghế cùng kéo và tông đơ, hoạt động cắt tóc lưu động này đã mang đến niềm vui cho học sinh.
Khách hàng khi đến cắt tóc được phục vụ nhiệt tình, chu đáo và được tư vấn tạo kiểu tóc gọn gàng, đẹp mắt. Hoạt động này thể hiện sự yêu thương, chăm lo của tổ chức Đoàn đối với thiếu nhi, tạo được sự gần gũi, gắn kết trong cộng đồng.
Quan tâm đến lợi ích của ĐVTN
Anh Linh cho hay: “Toàn xã có hơn 1.500 ĐVTN. Muốn tập hợp ĐVTN vào tổ chức Đoàn, trước hết phải làm sao để họ thấy được quyền và trách nhiệm của mình.
Các hoạt động phải phù hợp với tình hình thực tế, sở thích của từng đối tượng thanh niên. Đối với thanh niên dân tộc thiểu số, mình cố gắng làm thay đổi nhận thức và tư tưởng trông chờ, ỷ lại của họ”.
Mô hình “Sinh kế-tiếp sức thanh niên” được anh Linh triển khai từ tháng 7-2023. Từ nguồn quỹ của Đoàn xã, anh trích ra mua 3 con heo giống trao tặng thanh niên có ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế. Con giống được chọn lựa kỹ từ các trang trại heo tại địa bàn, khỏe mạnh, sức đề kháng tốt.
Cùng với việc tặng heo giống, Đoàn xã nhờ những người có kinh nghiệm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi cho thanh niên được hỗ trợ.
Mô hình thực hiện theo hình thức xoay vòng. Sau khi nhận heo giống, ĐVTN có trách nhiệm chăm sóc tốt để heo nhanh lớn. Khi con giống sinh sản sẽ tiếp tục trao tặng 3 heo con cho đoàn viên khác nuôi. Điểm mới của mô hình này là trao tặng sinh kế cho những thanh niên có ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế và sôi nổi tham gia các phong trào Đoàn-Hội tại địa phương.
Theo chân anh Linh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Siu Thơn (làng Nẻh). Anh Thơn được Đoàn xã hỗ trợ 3 con heo giống và 26 con ngan từ tháng 7-2024.
Anh Thơn phấn khởi nói: “Được tặng mô hình sinh kế, mình rất vui. Mình cố gắng chăm sóc đàn heo và ngan thật tốt để nhanh chóng có thêm thu nhập. Đây là động lực để mình tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn-Hội”.
Nhằm tạo điều kiện cho ĐVTN nâng cao kỹ năng sống, năm 2015, Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin xã Ia Din ra đời. Tiếp nhận vào năm 2020, anh Linh biến Câu lạc bộ thành nơi sinh hoạt và rèn kỹ năng của cán bộ, ĐVTN. Câu lạc bộ sinh hoạt 1 tháng 1 lần, nội dung trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng: cắm trại, tổ chức trò chơi, làm việc nhóm...
Qua đó, cán bộ, ĐVTN thêm tự tin khi đứng trước tập thể, được trang bị kiến thức và kỹ năng để xây dựng phong trào Đoàn đạt hiệu quả cao. Câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên mới hoàn lương trên địa bàn xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tìm cách giúp đỡ phù hợp để họ sớm hòa nhập với cuộc sống.
Ngoài ra, Đoàn xã Ia Din còn thành lập đội cồng chiêng làng Nẻh nhằm tạo sân chơi cho người trẻ cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao do Đoàn xã tổ chức tạo cơ hội cho ĐVTN giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết.
“Nói đi đôi với làm”
Tháng 10-2020, anh Linh được giao đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã. Với anh, đây là một thử thách không hề nhỏ. Nhớ lại những ngày đầu đảm nhiệm vai trò này, anh Linh bày tỏ: “Tôi vừa làm vừa học hỏi các anh, chị cán bộ Đoàn đi trước. Tôi thường xuyên đi cơ sở, không đặt mình ở vị trí cấp trên mà xem ĐVTN là người bạn, người anh em, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, đề xuất nào hay và phù hợp thì triển khai ngay”.
“Với phương châm “nói đi đôi với làm”, tôi cố gắng làm tốt vai trò của mình từ là ủi áo quần đến nạo vét kênh mương. Các bạn ĐVTN thấy vậy nên tin tưởng, ủng hộ, gắn kết và chung sức cùng tôi thực hiện tốt công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương”-anh Linh chia sẻ.
Với sự nỗ lực hết mình, anh Văn Tuấn Linh đã được nhận bằng khen của Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh vì có thành tích trong công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019-2024; bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2023.
Có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền nên mỗi hoạt động, anh Linh đều lồng ghép tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, công tác phòng-chống tệ nạn ma túy.
Đến thôn, làng nào, anh Linh cũng được người dân chào đón, hỏi thăm với sự gần gũi, chân thành.
Ông Nguyễn Văn Sáu-Phó Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo đảm an ninh trật tự làng Al Gôn-cho biết: “Bà con ai cũng yêu quý Bí thư Đoàn xã Văn Tuấn Linh vì lòng nhân ái và trách nhiệm với công việc. Nhờ sự kết nối của anh Linh, ĐVTN cùng bà con trong làng được nhận những phần quà ý nghĩa. Trong các cuộc họp thôn, mình vận động ĐVTN chịu khó học hỏi kinh nghiệm của anh Linh, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn-Hội”.
Anh Linh tâm sự: “Bận rộn, vất vả nhưng tôi thấy vui và hạnh phúc vì được làm việc, đóng góp cho tổ chức. Niềm vui của ĐVTN, tình cảm quý mến của người dân tiếp thêm cho tôi năng lượng để cống hiến vì tổ chức Đoàn và cộng đồng”.
Nhận xét về người cán bộ Đoàn tận tâm, anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ-cho biết: Anh Văn Tuấn Linh là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, có nhiều sáng tạo, đổi mới hoạt động. Gắn bó với công tác Đoàn, anh Linh đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết thanh niên. Những năm qua, Đoàn xã Ia Din là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào, hoạt động Đoàn ở địa phương.