(GLO)- Đối với một số người, cái tên làng Mèo và xã Đak Pling đồng nghĩa với sự xa ngái, cơ cực. Tuy nhiên với tôi, vùng đất này có sức hút kỳ lạ dù mới đặt chân đến lần đầu.
Nghe chúng tôi đăng ký xuống làng Mèo (xã Đak Pling), anh Trần Biểu-Chánh Văn phòng UBND huyện Kông Chro “Ừ cái rụp” nhưng hơi băn khoăn vì không biết đường sá thế nào. Sau một hồi gọi điện nắm tình hình, anh điều cho chúng tôi một chiếc U-oát cùng một người thạo đường bên Phòng Giáo dục-Đào tạo cử sang.
Có đi khắc đến…
Ảnh: Duy Danh |
Chúng tôi khởi hành vào lúc 3 giờ chiều. Do vừa thoát ra từ cơn bão số 15 chưa lâu cộng với “di chứng” do Công ty Bình An để lại nên quãng đường từ thị trấn đến xã Đak Kơ Ning tương đối khó. Những cơn mưa trút nước của vùng Đông Trường Sơn đã lấy đi lớp đất mịn, mặt đường lổm nhổm đá sỏi. Đoạn này có 4 chiếc cống hộp đang được thi công.
Được biết, sau sự cố Công ty Bình An bỏ nhảy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cho thi công 4 chiếc cống nói trên để khắc phục tạm thời. Đường quá xấu nhưng cảnh vật ven đường thì ngược lại. Mưa liên tiếp đã làm cho những cánh rừng chẳng mấy chốc hồi sinh. Xen lẫn trong xanh mướt rừng khộp là những vạt cỏ đuôi chồn bời bời trong gió, thi thoảng lóe lên một vài bông hoa rừng lung linh trong buổi chiều cuối đông. Phải thừa nhận đoạn đường từ trung tâm xã Đak Kơ Ning đến Sơ Ró rất tốt. Cầu đường kiên cố, phẳng phiu, đoạn qua trung tâm xã Sơ Ró đẹp như một bức tranh. Thấy tôi cứ tấm tắc khen con đường, tài xế Lim bảo: “Chưa tới đoạn đường đau khổ đâu anh ơi!”. Lời cảnh báo của chàng trai này quả thật ứng nghiệm.
Xe vừa qua khỏi cầu Đak Pling thì chạm ngay một liên hoàn bãi lầy. Giữa bãi lầy là một chiếc xe độ loại 3 bánh nằm bất động. Trên xe “chẫm chệ” chiếc tủ lạnh hiệu Sanyo và một vài thứ linh tinh khác. “Tài xế” là một người đàn ông trung niên người làng Mèo lớn. Anh bảo: “Bó tay! Chờ thanh niên làng đến khiêng”. Thông thường, gặp tình cảnh này thì phải chờ lôi “ông tướng” phía trước ra mới có lối đi. Có lẽ quá rành với con đường nên Lim có cách xử lý khác. Sau vài phút nghiên cứu hiện trường, anh quyết định đánh xe ép sát vào bìa rừng để vượt qua bãi lầy.
“Còn bao nhiêu chỗ như thế này nữa? Lim ơi!”-Tôi hỏi. Chàng tài xế người Bahnar thản thiên đáp: “Còn nhiều, mới bắt đầu thôi anh nhà báo à!”. Vừa trò chuyện, đôi tay rắn rỏi màu đồng hun của anh vẫn liên tiếp đánh vật với chiếc vô lăng đưa chiếc xe nặng nhọc vượt qua vô số bãi lầy ầng ậc bùn nước. Lên tới đỉnh dốc, trước mắt chúng tôi một thung lũng với những dãy núi cao cùng mây đen vần vũ tứ bề. Lọt giữa thung sâu là lúp xúp những ngôi nhà sàn Bahnar xen lẫn với trụ sở xã, trường học, trạm y tế… Như người vừa được vớt ra từ bãi sình lầy, tôi vỗ vai Lim: “Ông khá lắm! Có khi nào mắc kẹt không?”. Cũng vẫn thái độ thản nhiên, Lim đáp: “Hai tuần trước, xe bị lầy, Bí thư Huyện ủy phải đón xe về trước để kịp họp. Cánh lái xe của em ngủ đường là bình thường. Cứ đi khắc đến…”.
Chúng tôi đến khu vực trung tâm xã Đak Pling vào 5 giờ 30 phút chiều, sau hai tiếng rưỡi đồng hồ vật lộn với hơn 40 km đường. Trời sập tối. Không gian như quánh lại một màu đen, chỉ còn le lói vài tia ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà ven đường, công sở và trường học.
Ảnh: Duy Danh |
Theo chỉ dẫn của anh bạn đồng hành Nguyễn Đăng Gia, chúng tôi ghé lại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân. Do được thông tin trước nên Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào ra tận cổng trường đón tiếp. Sau cái bắt tay đầy thân thiện, anh bảo: “Không bị lầy, quá may! Em định cử người ra chở các anh vào và giúp trông xe”. Hóa ra chàng Hiệu trưởng quê Bình Định này đã dự trù cả những tình huống xấu nhất. Nói rồi, anh dẫn chúng tôi vào khu nội trú của trường.
Chuyện ở làng Mèo
Thấy tôi ngỏ ý ăn qua quýt gì đấy rồi còn vào làng, Hào bảo: “Đây là làng Mèo lớn rồi anh ạ! Hay là anh em mình vào mời già làng ra dùng cơm cho vui?”. Ngồi trên xe máy của Hào mà tôi có cảm giác như trên máy bay bởi xung quanh là khoảng không vô định. Cũng chất phác như Trần Biểu, già làng Leo “Ừ cái rụp”. Trên đường về, Hào bảo sở dĩ già nhận lời ngay bởi già coi giáo viên trong trường như con cháu của mình.
Bok Leo rất dè dặt với bia rượu. Ông sợ uống nhiều say nói không chuẩn, dân làng coi thường. Rượu bia là vậy, nhưng với chuyện làng chuyện xã thì ông tỏ ra rất hào hứng. Ông bảo: Ở Đak Pling có 4 làng thì đã có 2 làng Mèo (làng Mèo lớn và làng Mèo nhỏ). Lúc nhỏ ông nghe già làng kể lại rằng: Ngày mới lập làng, lũ mèo rừng tụ tập về đây rất đông và rất thân thiện. Người già cho đó là điềm lành nên đặt tên là làng Mèo. Qua năm tháng, số nóc nhà ngày càng nhiều nên chia tách thành hai làng. Về nguồn gốc, bok Leo cho biết: “Trước ngày giải phóng (1975), làng Mèo thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Từ đây về trung tâm xã Canh Liên khoảng hơn một ngày băng rừng, lội suối. Chắc do chuyện đó nên người ta nhập làng Mèo vào đất Gia Lai”. Cũng theo ông, dân làng Mèo theo cách mạng từ rất sớm và cũng biết ngăn con suối lấy nước trồng lúa từ trước ngày giải phóng. Bản thân ông tham gia du kích từ năm 1964, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh. Khi tôi hỏi về tình hình sản xuất, đời sống của bà con làng Mèo lớn, vị già làng đáng kính lẩm nhẩm một lúc rồi rành rọt: “Tuy hai mà một, bà con dòng họ qua lại miết miết! Làng Mèo lớn có 149 nóc nhà, làng nhỏ có 50 nóc. Bà con mình biết làm lúa nước, lúa rẫy, bắp và mì cao sản…
Những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ giống, cho vay vốn, xây dựng trường học, làm đường giao thông, cung cấp điện sinh hoạt… nên đời sống tốt hơn. Nhiều gia đình mở rộng diện tích bắp lai và mì cao sản để bán lấy tiền mua sắm ti vi, xe máy. Làng còn vài chục gia đình nghèo, phần lớn là do đau ốm thiếu người lao động hoặc do lười lao động”. Hết chuyện làm ăn phát triển kinh tế, ông chuyển sang chuyện lễ hội, phong tục tập quán, an ninh trật tự… Câu chuyện cứ thế kéo dài đến tận khuya. Ngại mọi người mất ngủ, ông hẹn tôi gặp nhau vào sáng sớm, tại nhà mình.
Bình minh nơi thung lũng Đak Pling đẹp một cách lạ lùng. Xa xa về phía Đông là ngọn Kông Jơ Rao sừng sững, mây trắng còn ấp lưng chừng núi. Ngọn Kông Ka Nô đối diện xanh thẫm một màu tinh khiết. Khí trời buổi sớm mai trong lành như thinh không. Trên con đường dẫn vào làng Mèo lớn, đàn bà con gái đi hàng một ra suối lấy nước (do công trình nước sạch mới bị hỏng do mưa lũ). Như đã hẹn, già Leo đưa tôi tham quan nhà rông đang được sửa chữa. Ông bảo: “Lũ thanh niên bị lạnh nhưng động viên chúng ráng chịu chờ đến khi hoàn thành. Hôm nay, làng phải cúng Yàng 1 con gà và 1 ghè rượu vì hôm qua có người bị gỗ đè gãy tay. Riêng người bị tai nạn được làng hỗ trợ 1 triệu đồng tiền thuốc”. Theo ông, tục cúng Yàng không phải vì mê tín dị đoan mà là phong tục có từ ngày lập làng. Trong lúc cùng ông tha thẩn trong khu nhà mồ, tôi phát hiện không có tượng mồ nào. Lý giải về hiện tượng này, ông bảo làng không còn ai biết tạc tượng, hơn nữa tìm gỗ rất khó. Nói đến đây, bỗng chốc ông thở dài…
Vĩ thanh
Chắc hẳn có rất nhiều lý do để tìm hiểu về ngôi làng ở vùng giáp ranh này nhưng do thời gian có hạn nên tôi đành chia tay bok Leo. Lúc chúng tôi lên đường vẫn thấy ông đứng lẫn vào các thầy cô giáo TH-THCS Bùi Thị Xuân. Ngồi trên xe trở lại thị trấn Kông Chro bỗng chốc tôi nhớ lại một trong những câu nói của ông: “Ước gì con đường ra huyện được xây dựng hoàn chỉnh cho dân làng đỡ khổ!”. Câu nói của ông đầy tính dự báo bởi ngay sau đó xe của chúng tôi bị vướng vào đám sình lầy, phải hì hục gần một giờ đồng hồ mới thoát.
Duy Danh