Thời sự - Bình luận

Chuyện muôn năm cũ của nông sản Việt: Đừng trách nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cung lớn hơn cầu, giá thấp trong khi chi phí sản xuất có chiều hướng tăng..., chuyện hồ tiêu chính là câu chuyện phổ biến của nông sản Việt.
Năm buồn của hồ tiêu
Một báo cáo của Bộ Công thương được VnEconomy dẫn lại cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.
Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.
Bộ NN-PTNT đánh giá, năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.
Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%.
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.
Thực trạng buồn của ngành hồ tiêu hiện nay gợi nhắc về thời điểm những năm 2013-2014, giá hạt tiêu đen lên đỉnh điểm, tăng vọt lên mức 230.000 đồng/kg khiến nông dân các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích trồng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2013, tại Việt Nam, diện tích trồng tiêu chỉ trên 53.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến 2018, diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, đã tăng gấp 3 lần.
 
Hồ tiêu Việt trải qua một năm buồn. Ảnh: TTXVN
Hậu quả của việc ồ ạt mở rộng diện tích là cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Từ mức giá đạt đỉnh 230.000 đồng/kg năm 2013 đến nay giá mặt hàng này đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 45.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành mà người nông dân làm ra là 50.000 đồng/kg.
Với giá này, những người trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.
Không những vậy, việc phát triển quá nóng hồ tiêu còn dẫn đến phá vỡ quy hoạch cây trồng, dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái...
Đừng vội trách nông dân
Chuyện xảy ra với ngành hồ tiêu Việt Nam là tình trạng phổ biến của nông sản Việt trong mấy chục năm qua: được mùa mất giá, trọng lượng hơn chất, thấy trồng cây gì được giá thì ồ ạt mở rộng diện tích.
Người nông dẫn là người quyết định trồng gì trên mảnh đất của mình, thế nên, việc phớt lờ khuyến cáo để rồi rơi vào cái vòng luẩn quẩn: trồng rồi chặt, sản xuất không theo kế hoạch, thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo..., có một phần lỗi của người nông dân. Nhưng như vậy không có nghĩa đã vội trách người nông dân.
Như một chuyên gia nông nghiệp gắn bó cả đời với nông dân từng chia sẻ, vai trò của người nông dân là sản xuất , việc thị trường là của những người "có học", những người mà quyền lợi và chức vụ của họ gắn với người nông dân và nông nghiệp nước nhà. Nếu nông dân làm tốt cả việc của thị trường, họ đã không còn là nông dân, trong khi đó, ngay cả các nhà hoạch định chính sách cao nhất cũng không trả lời được cho người nông dân sang năm họ trồng cây gì, nuôi con gì bán được?
Vì lẽ đó, theo các chuyên gia, việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm là soạn chính sách cho sát với nông dân, thuê chuyên gia giỏi, am tường để xây dựng các cơ chế, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới . Còn việc áp dụng máy móc mới, giống mới hay kỹ thuật mới thế nào là để người nông dân quyết định.
Về phía doanh nghiệp, vai trò của mỗi doanh nghiệp là đi tìm hiểu để biết được nhu cầu của nước này, vùng này là gì rồi về coi ở Việt Nam cây đó, con đó có trồng, có nuôi được không. Sau đó, doanh nghiệp ký kết với một nhóm hộ nông dân sản xuất để có khối lượng hàng hóa lớn xuất khẩu. Có như vậy mới bền vững: doanh nghiệp biết bán hàng ở đâu, và ký kết với người nông dân làm như thế nào đúng quy trình sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào...
Minh Thái (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm