“36 năm sau ngày giải phóng, 5 xã Đông sông Ayun chưa từng có học sinh giỏi cấp huyện”- ông Hồ Văn Diệp- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang (Gia Lai) nêu một thực trạng hết sức bất ngờ. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là chuyện học sinh bỏ học, đặc biệt là nghỉ học sớm để... bắt vợ, bắt chồng.
Từ xã Kon Thụp đến Kon Chiêng chỉ chừng hơn chục cây số nhưng từ trung tâm xã Kon Chiêng vào đến làng Toát phải mất đến 15 cây số ngoằn ngoèo, trồi sụt, lầy lội. Chúng tôi đang tìm đến nhà em Djyan, 15 tuổi, vừa mới học xong lớp 9 thì ở nhà bắt chồng. Trong ngôi nhà sàn hắt vào chút ánh sáng lờ mờ, Djyan và chồng là Hmin đang cùng châu đầu xem một bộ phim Hàn Quốc trên tivi.
Lấy chồng từ tuổi… 15
Đôi vợ chồng trẻ vừa mới cưới nhau gần 2 tháng. Djyan bẽn lẽn tiếp chúng tôi với gương mặt còn măng sữa, còn Hmin cũng chỉ mới 19 với kiểu tóc thời thượng tuổi teen; cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn. Hmin đã bỏ học vài năm, còn Djyan vì “tình yêu” suốt 1 năm nay với Hmin nên cũng quyết định… nghỉ học lấy chồng. Djyan lấy cho chúng tôi xem mấy tấm giấy khen, trong đó có giấy khen của Trường Tiểu học- THCS Kon Chiêng vì thành tích học tập đạt loại giỏi của em suốt cả năm học khi còn là học sinh lớp 9B. Thật đáng tiếc, bởi Djyan còn là học sinh giỏi duy nhất trong lớp học có sĩ số 24! Hỏi Djyan có thích đi học nữa không thì em chỉ cười gượng và gật đầu. Djyan cũng thích đến trường lắm nhưng có lẽ đó chỉ là lựa chọn thứ yếu và giờ thì đã trót “theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi, biết làm sao. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi hình dung rằng, rồi đây Djyan sẽ làm mẹ. Cô bé hãy còn là trẻ con, còn chưa kịp hiểu rằng mình đã đánh rơi biết bao điều đẹp đẽ chưa đến của tuổi thanh xuân.
Vợ chồng Djyan và Hmin. Ảnh: Phương Duyên |
Trong số 5 xã Đông sông của Mang Yang hiện chỉ có Kon Thụp là xã vùng II, 4 xã còn lại đều là xã vùng III với rất nhiều khó khăn về kinh tế-văn hóa-xã hội. Những tưởng với sự tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể, nạn tảo hôn sẽ bị đẩy lùi, song thực tế lại ngược lại. Nhiều người vẫn còn nhắc chuyện năm ngoái, chẳng đâu xa lạ, con gái của Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang nghỉ ngang giữa chừng để đi lấy chồng khi đang là học sinh… lớp 8! Chính vì thế, Trường THCS- THPT Kpă Klơng, ngôi trường có bậc THPT duy nhất của 5 xã Đông sông, ngày càng thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Thầy giáo Lê Thanh Tao- Phó Hiệu trưởng nhà trường, than thở: Năm học này, trường chỉ tuyển được 51/80 học sinh vào lớp 10, dù việc làm hồ sơ trường và xã làm giùm chứ không cần phụ huynh phải động tay đến.
Lắm cái khó
Cái khó đầu tiên khi “đối mặt” với nạn tảo hôn được các cấp chính quyền và đoàn thể xác định chính là vấn đề nhận thức. Anh Đinh Liưm- Phó Bí thư Đoàn xã Kon Chiêng, cho hay: “Trước kia, thanh niên được cha mẹ “bắt” cho (bắt chồng bắt vợ). Theo phong tục, 15, 16 tuổi gì cũng “bắt” được hết”. Và cho đến giờ, phong tục ấy vẫn còn tác động hết sức mạnh mẽ đến lớp trẻ. Chưa kể phim ảnh cũng tác động không nhỏ đến tâm lý và đời sống tình cảm của thanh-thiếu niên ở ngay từng buôn làng. Còn ông Phan Văn Kỳ- Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi- cũng không ngần ngại thừa nhận chuyện học xong THCS lấy vợ lấy chồng sớm theo phong tục là khá phổ biến ở xã này. Năm học vừa rồi, xã có 26 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ… duy nhất 1 học sinh theo học tiếp lớp 10; toàn xã từ trước đến nay mới có 4 trường hợp học lên THPT.
Riêng làng Đak Hre, trong số 9 em vừa tốt nghiệp THCS thì có đến 3 em nam, 2 em nữ kịp trở thành những ông bố bà mẹ tuổi măng tơ. Cái lý của các gia đình khi tổ chức cưới hỏi cho con thường là: “Ơ, con cháu nó thích thì nó “bắt” nhau, cái bụng nó to rồi mà, không cho cưới Yàng còn phạt nhiều hơn nữa”- ông Kỳ kể. Thanh- thiếu niên vẫn đua nhau lập gia đình sớm, mặc cho làng có một số luật tục khắt khe như: Phạt 2 triệu đồng đối với người “chành rành” (mai mối) trong trường hợp làm mai cho những cặp chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật; đồng thời phạt 2 triệu đồng đối với người lấy vợ lấy chồng khi chưa đủ tuổi (với cặp vợ chồng mà cả hai đều chưa đủ tuổi thì phải nộp 4 triệu đồng). Không khó để thấy rằng, điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy của tảo hôn đã được cảnh báo: Nghèo đói, bất hòa, sinh non, ly hôn sớm…
Một cái khó nữa của các xã Đông sông là chỉ có duy nhất một trường có cấp THPT (Trường THCS- THPT Kpă Klơng). Trường nằm ở Kon Thụp nên học sinh các xã còn lại nếu muốn học lên cấp III thì phải đi rất xa hoặc ở nội trú. Trường có một dãy nhà có đầy đủ điện nước cho học sinh nội trú ở nhưng lại không có chế độ ưu đãi gì, tất cả các em đều phải tự túc khoản ăn uống; do đó nhiều trường hợp học sinh các xã Đê Ar, Kon Chiêng, Đak Trôi, Lơ Pang sau một thời gian nội trú đã… ôm xoong nồi về hết.
Chính vì vậy, ông Hồ Văn Diệp- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Mang Yang, phân tích: “Tình trạng học sinh bỏ học, trong đó có bỏ học do lấy vợ lấy chồng sớm, là cả một câu chuyện dài. Theo tôi, cần có sự phối hợp sát sao từ phía giáo viên và các đoàn thể để nâng cao ý thức cộng đồng. Bên cạnh đó, không duy trì sĩ số thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục; vì thế đề nghị Sở Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu mô hình nội trú ở Kon Thụp, phải có chế độ ưu đãi thì mới giữ được học sinh ở lại”.
Mùa mưa này, đường vào 5 xã Đông sông nhiều đoạn lở lói, rất khó đi, đời sống người dân vì thế cũng còn lắm nhọc nhằn. Nhưng có lẽ cái khó lớn nhất ở đây còn là do lòng người. Hy vọng rằng, với sự quan tâm và nỗ lực phối hợp giữa các cấp chính quyền và đoàn thể, 5 xã Đông sông sẽ dần vắng đi những tiếng thở dài tiếc nuối: “Lấy chồng sớm làm gì…”
Phương Duyên