Xã hội

Gia đình

Chuyện thường ngày: Sợ... Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khác với những đứa trẻ thơ luôn mong mỏi từng ngày để được ăn Tết, được lì xì, được mặc quần áo mới, được vui chơi thỏa thích, nhiều bạn trẻ khoảng 25-30 tuổi lại rất sợ Tết. Là vì họ sợ phải đối diện với hàng trăm câu “chất vấn”: Khi nào lấy vợ (chồng)? Lương bao nhiêu? Sao không thấy dẫn người yêu về ra mắt?… Có tới 1.001 câu hỏi vì sao đang chờ họ trả lời.
Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người cảm thấy sợ Tết. (Ảnh minh họa)
Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người cảm thấy sợ Tết. (Ảnh minh họa)
Ở những vùng quê xa xôi, nam nữ nếu không đi học lên đại học, cao đẳng thì thường chỉ có một con đường là lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi lăn lộn với đời. Nhiều cặp vợ chồng mới tuổi mười tám, đôi mươi đã tay xách nách mang, con cái đùm đề. Cái suy nghĩ “thành gia lập nghiệp” đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết những người con vùng quê. Vì vậy, ở cái tuổi ngoài 25 mà chưa lập gia đình sẽ được liệt vào danh sách “ế” của xóm làng.
Trái ngược với suy nghĩ của người dân quê, những bạn trẻ đi học xa quê, sống ở thành thị phải chật vật kiếm sống, bon chen để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp nên việc lập gia đình ở tuổi đôi mươi là rất hiếm hoi. Họ luôn luôn tìm kiếm sự ổn định trước khi nghĩ đến hôn nhân để đảm bảo cuộc sống, không phải phụ thuộc vào cha mẹ. Chính vì lý do này mà rất nhiều bạn trẻ cùng chung cảnh ngộ này ngày Tết: gia đình thì hối cưới, họ hàng, hàng xóm láng giềng “chất vấn” mọi điều, lũ bạn cùng trang lứa đứa thì đã hai nách hai con, đứa thì con đầu đã vào lớp 1… Hết chuyện cưới hỏi lại đến chuyện công việc, lương bổng như: Làm cả năm dư được nhiều không? Cho ông bà được bao nhiêu…? Những câu hỏi thiếu tế nhị như vậy cứ thế bủa vây khiến nhiều người phải nổi cáu.
Có rất nhiều bạn trẻ đi cả năm chẳng muốn về nhà, phải nói thẳng ra là chẳng dám về nhà, cũng chỉ vì sợ... Tết. Chẳng phải họ không có điều kiện để về quê thăm bố mẹ, bạn bè, làng xóm, nhưng chỉ vì những câu hỏi “nghiệt ngã” đó mà họ đã phải chấp nhận ở lại thành phố ăn Tết trong sự cô đơn.
Dẫu biết rằng tất cả đều xuất phát từ sự quan tâm, nhưng xin hãy dành cho lớp trẻ một sự tôn trọng nhất định. Thời đại công nghệ 4.0, muốn hiện đại hóa toàn diện thì phải hiện đại hóa ngay từ trong tư duy. Nên từ bỏ những quan điểm lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại mới nữa. Hãy mở rộng vòng tay tiếp nhận những làn gió mới để xã hội văn minh hơn, con người tiến bộ hơn, để cùng nhau đón Tết vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc trọn vẹn hơn.
NGUYỄN VŨ

Có thể bạn quan tâm