Xã hội

Gia đình

Tết tối giản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tâm lý “sợ” Tết là có thật. Nghe có vẻ hơi trái khoáy vì Tết Nguyên đán vốn là dịp được trông đợi nhất trong một năm, mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng đối với người Việt. Nhưng thực tế cho thấy, cũng chính bởi cái nếp nghĩ “Tết là phải hoành tráng” khiến cho nhiều người phải bỏ công sức tất bật mua sắm, bày biện... đón Tết. Chuyện cúng kiếng, lễ nghĩa nhiều lúc lại trở thành nỗi lo toan của mọi gia đình.
Có nhiều người vẫn kêu ca rằng, Tết rõ là ngày nghỉ mà hầu như chẳng được nghỉ ngơi bao giờ. Quả thật, nghỉ ngơi sao được khi phải tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp, lau chùi chân đèn, lư hương cho thật bóng; phải làm những bữa tiệc thịnh soạn; cuống quýt chuẩn bị hàng tá phong bao lì xì. Chưa kể đến những tập tục biếu xén cầu kỳ khác. Có muôn vàn lý do khiến mỗi người trong chúng ta cảm thấy áp lực khi Tết đang đến cận kề. Thậm chí, có người vì quan niệm “tống cựu nghinh tân” mà bỏ đi những đồ dùng vẫn còn giá trị sử dụng để sắm mới, dù có phải tốn kém đến đâu đi nữa.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tất nhiên, mỗi nhà đều có thể ăn Tết theo cách riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Nhưng nếu ngẫm kỹ về ý nghĩa thực sự của ngày Tết cổ truyền thì có phải chúng ta đang bó buộc Tết vào những giá trị vật chất đôi khi hơi rườm rà và mang tính hình thức? Hương vị ngày Tết suy cho cùng không nằm ở chuyện ngọt, nhạt của bánh mứt mà cốt yếu là cái không khí đầm ấm, yên vui ở mọi nhà. Vậy chuyện ăn Tết một cách tối giản là thật sự cần thiết.
Nhà cửa không nhất thiết phải trang hoàng quá lộng lẫy, chỉ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, bởi “Nhà sạch thì mát/Bát sạch ngon cơm”. Đồ dùng sinh hoạt không cần bỏ đi khi vẫn còn có ích. Mỗi năm trôi qua, có khi được nhìn ngắm lại những vật dụng tuy cũ kỹ nhưng đã bên cạnh ta tự rất lâu cũng là một niềm vui. Ký ức nằm ở đó. Tủ lạnh trong mỗi căn bếp cần chi phải tích trữ đầy ắp những thực phẩm đông lạnh vì mâm cơm tất niên hay Giao thừa dù có tươm tất đến đâu cũng chỉ cần nhất vị thanh đạm của chút “bánh chưng xanh”, “thịt mỡ”, “dưa hành”. Để ngay sau đó không phải chứng kiến cảnh lãng phí đồ ăn thức uống.    
Rõ ràng, chuyện ngả mâm, mời mọc, chúc tụng... trong 3 ngày Tết khiến chúng ta trở nên mệt mỏi, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy. Thử thay đổi nếp nghĩ về Tết, về chuyện ăn Tết theo hướng tối giản để giải phóng con người khỏi những áp lực vật chất. Thay vào đó, mỗi gia đình chú trọng hơn việc gắn kết tình cảm trong những dịp sum họp quý báu như thế này. Tết, vui nhất là được hạnh ngộ, được thăm chúc nhau những lời tốt lành nhất. Tết còn mang ý nghĩa của sự đoàn viên khi người này đón đợi, người kia trở về.
Ăn Tết tối giản không có nghĩa là tiết chế quá mức. Một cái Tết đủ đầy luôn là mong ước của mỗi gia đình. Nhưng trọn vẹn hơn cả, nhẹ nhàng hơn cả là sự đủ đầy trong giản dị. Được như thế, sẽ không ai còn phải “sợ” Tết. Hãy tận hưởng ngày Tết cổ truyền của dân tộc theo cách tuyệt vời nhất. Nói rộng thêm, không chỉ là câu chuyện ăn Tết mà thực tế lối sống tối giản, sử dụng vật chất đúng mức, vừa đủ đang dần trở thành một sự lựa chọn đầy tích cực. Tết, tối giản mà vui! Giống như cuộc sống, tối giản mà hạnh phúc!
 THẠCH THẢO

Có thể bạn quan tâm