Thời sự - Bình luận

Chuyện thường ngày: Thương cho roi cho vọt…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, cây thước gỗ dài chừng nửa mét của thầy-cô giáo là vật dụng đầy uy lực. Cây thước gỗ ấy là vật đồng hành không thể thiếu trong các buổi lên lớp của thầy cô, chúng được kẹp giữa quyển sổ ghi đầu bài hay trong túi xách cùng với sổ sách, giáo án.
Cây thước vừa thực hiện nhiệm vụ chính là giúp thầy cô phân chia bảng, kẻ vẽ, vừa có thêm chức năng ổn định trật tự và xử phạt. Mỗi khi lớp ồn ào, thầy cô sẽ dùng thước nhịp nhiều lần lên mặt bàn hoặc bảng. Và dĩ nhiên, cả lớp sẽ lấm lét, lập tức im lặng nghe giảng bài. Cây thước đặc biệt phát huy “năng lực xử phạt” vào mỗi đầu giờ kiểm tra vệ sinh thân thể, hễ nghe tiếng thước là biết ngay có bạn tay chưa sạch sẽ. Đôi khi, cây thước gây “đau thương” trên mông, bắp đùi nếu chẳng may không thuộc bài, chưa làm bài tập về nhà hoặc quá nghịch ngợm trong lớp. Ngoài ra, thi thoảng học sinh cũng bị thầy cô phạt đứng góc lớp, dọn dẹp nhà vệ sinh, lao động hàng tuần, chép phạt…
Ngày ấy, học trò coi việc bị thầy cô trách phạt là “tội tày đình”, một bí mật không thể tiết lộ và thường phải tìm cách để giấu nhẹm đi. Bởi chỉ cần lộ ra sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm sự “trừng phạt” của cha mẹ. Cứ như vậy, không phải tất cả nhưng hầu hết thế hệ học trò đều trưởng thành, nên người. Nhưng đó là ngày trước, còn bây giờ, giáo viên chỉ “gõ đầu trẻ” một cái thôi, 5 phút sau thông tin ấy sẽ tràn lan trên mạng xã hội. Phụ huynh và cả cộng đồng không cần biết đúng sai, mức độ nặng nhẹ đã sẵn sàng lên án, kiện cáo, chửi mắng. Mới đây nhất là trường hợp cô giáo phạt học sinh quỳ gối ở Hà Nội. Hình thức phạt không lạ, cũng không quá nặng nề nhưng lại khiến cho cô giáo này lao đao. Phụ huynh viết đơn kiện, nhà trường đình chỉ dạy học đối với giáo viên, luật sư thì cho rằng cô giáo “làm nhục danh dự người khác”. Giáo viên thời nay phải chăng đang gặp phải quá nhiều áp lực: thành tích, truyền dạy kiến thức, hình thành nhân cách cho học sinh, dung hòa mối quan hệ với phụ huynh và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Cô giáo phạt học sinh quỳ gối là không đúng phương pháp giáo dục. Nhưng hình phạt đó đã là gì so với 231 cái tát mà cô giáo đã bắt cả lớp giáng vào mặt một học sinh ở Quảng Bình, với những vết bầm tím mà cô giáo khác ở Hải Phòng gây nên cho một em học sinh lớp 2… Thời trước, mặc dù thầy cô vẫn hay sử dụng đòn roi, song không hề gây thương tích mà ngược lại khiến học trò trở nên nghiêm túc, ngoan ngoãn hơn.
Không tán thành việc dùng bạo lực trong môi trường giáo dục, song đa số mọi người vẫn mong giữa giáo viên và phụ huynh, giữa nhà trường, xã hội và gia đình có những cảm thông nhất định cho nhau. Đưa con đến trường không có nghĩa là phó mặc trách nhiệm giáo dục cho thầy cô. Đóng tiền cho con đi học không đồng nghĩa với việc yêu cầu, hạch sách quá đáng đối với giáo viên đứng lớp. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” sẽ ra sao khi phụ huynh và học sinh không còn tôn trọng những người đã và đang làm nhiệm vụ giáo dục? Về phía giáo viên, “thương” không còn là “cho roi cho vọt” theo nghĩa đen nữa, mà thầy-cô giáo hãy giáo dục học sinh bằng sự nghiêm khắc kết hợp với khích lệ, tuyên dương nhiều hơn. Đồng thời, cần kiềm chế cảm xúc để có những cách xử phạt nhân văn, hợp tình hợp lý nhằm cảm hóa, tăng ý nghĩa giáo dục, góp phần hình thành nhân cách cho học sinh.
 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm