Chuyện về những gia đình quân nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ cùng là lính, khoác trên mình những bộ quân phục màu xanh đầy tự hào và trong công việc, họ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, riêng về gia đình-họ là những gia đình quân nhân mẫu mực với con cái chăm ngoan, hiếu thảo, học giỏi.

Cảm thông, chia sẻ…

Dù cùng công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhưng vợ chồng Trung úy Ksor H’Chiêm và Đại úy Nay Thương lại có rất ít thời gian ở gần nhau. Nhất là những năm anh tăng cường xuống đội công tác địa bàn tận huyện biên giới Chư Prông, còn chị dù công tác ngay Bộ Chỉ huy nhưng cũng thường xuyên phải xuống những làng xa để tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con.

H’Chiêm tâm sự: “Có những đêm biểu diễn ở làng xa, biểu diễn xong thu dọn đồ đạc về đến nhà cũng 1-2 giờ sáng nhưng hôm sau lại phải dậy đúng giờ, y phục chỉnh trang để đến cơ quan cho kịp giờ điểm báo. Đó là chưa kể, có những chuyến biểu diễn ở xa, đêm tối, trời mưa không về được, anh em phải mắc võng ngủ lại làng... Cũng may, hai vợ chồng đều công tác trong quân đội nên dễ cảm thông cho công việc cũng như giờ giấc, kỷ luật…”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng cách địa lý cũng không quá xa, song vì nhiệm vụ bảo vệ vùng phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc nên một tháng, thậm chí gần hai tháng Thiếu tá Nguyễn Xuân Đảm (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) mới có dịp về thăm nhà một lần. Và thời gian anh lưu lại nhà với gia đình cũng kéo dài chỉ một đến hai ngày, rồi lại vội vã lên đường, vì vậy mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay chị Lê Thị Thương (công nhân viên quốc phòng của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh) lo liệu.

Chị bảo, mình vốn là con bộ đội rồi sau này lấy chồng bộ đội, bản thân lại công tác trong đơn vị quân đội nên mình rất hiểu cái khó, cái khổ của anh. Vì vậy, mọi việc trong nhà chị đều cố gắng chu toàn, chỉ khi nào có việc gì quan trọng hoặc con đau nặng chị mới dám báo cho anh hay, vì sợ anh lo lắng không yên…

Dù trong đơn vị, các “bóng hồng” đã được ưu tiên hơn rất nhiều so với nam giới trong công việc, song môi trường quân đội vốn được coi là “kỷ luật thép” nên dù có ưu tiên thế nào thì các chị cũng phải nỗ lực rất nhiều để có thể chấp hành đúng mệnh lệnh cấp trên. Đặc biệt là vào những dịp trực sẵn sàng chiến đấu, hay vào những đợt huấn luyện, nơi thao trường đầy nắng gió, những “bóng hồng” cũng rám nắng, toát mồ hôi với những bài tập bắn súng, võ thuật, điều lệnh…

Và nỗi niềm xen lẫn tự hào

Cùng công tác trong quân đội nên cả hai có thể hiểu, cảm thông cho công việc của nhau là điều dễ hiểu, song với phụ nữ chỉ là “hậu phương” của lính vốn đã rất khó khăn, huống hồ cả hai đều là lính thì mái ấm gia đình cần lắm sự cố gắng, hy sinh. Thượng úy Trần Thị Liên-nhân viên văn thư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bộc bạch: “Cả hai lần “vượt cạn”, chồng đang công tác ở xa không về được, cũng may có mẹ chồng từ ngoài quê vào chăm sóc cháu được mấy tháng đầu nên mình cũng được an ủi phần nào”.

Rồi những năm tháng nuôi dạy con, con đau ốm, đưa đón con ngày hai buổi đến trường, rồi chuyện nhà, chuyện đối nội, đối ngoại… đều một tay chị quán xuyến. Dù vậy, có nhiều lúc vì công việc, chuyện đón đưa con đến trường chị cũng phải nhờ đến hàng xóm, bạn bè, thậm chí là gọi điện nhờ bác xe thồ “quen”. Hỏi về những vất vả đã trải qua, chị có bao giờ trách móc anh? Chị cười tươi: “Điều kiện công tác bắt buộc phải như thế, mình có trách cũng không thay đổi được gì…”.

Còn với “chị nuôi” Lê Thị Thương thì bao năm nay chị quen với vai trò vừa là cha, đồng thời là mẹ của hai con (một đang học lớp 12, một đang học lớp 2). Lý giải vì sao anh chị lại sinh con cách nhau xa như thế, chị cười: Thời gian hai vợ chồng ở gần nhau cũng không nhiều, hai bên nội-ngoại lại ở xa nên anh chị quyết định sinh giãn ra để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cho tốt. Rồi cứ như “con tằm” miệt mài nhả tơ, chị bị công việc quấn lấy đến độ chẳng có lấy một ngày ngơi nghỉ đúng nghĩa.

Ban ngày, chị làm tốt vai trò của một “chị nuôi”, đảm bảo bữa ăn cho bộ đội đủ dinh dưỡng, ngon miệng, chiều về chị lại lao vào công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái cho đến khuya mới ngơi tay… Vất vả là thế, nhưng trên môi chị luôn nở nụ cười và bản thân chị cũng luôn thấy tự hào về gia đình quân nhân của mình.

Bỏ qua những năm tháng khó khăn, vất vả, một mình phải nuôi ba con nhỏ và chăm sóc bố mẹ chồng, giờ đây Trung úy Nguyễn Thị Thanh (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh) hoàn toàn có thể tự hào về sự trưởng thành của các con. Bởi con trai đầu của chị đã tốt nghiệp và đang công tác tại Đồn biên phòng Ia Púch; con thứ hai tốt nghiệp Đại học Ngân hàng và làm việc trong TP. Hồ Chí Minh; còn con út đang học năm cuối Đại học Kinh tế. Chồng chị, Đại tá Trần Thanh Hải ngoài thời gian dành cho công việc, mỗi khi về nhà anh không nề hà việc lớn việc nhỏ và luôn xắn tay áo lên phụ chị dù là công việc nhỏ nhất…

Hạnh phúc của những gia đình quân nhân chính là ở sự chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và hạnh phúc của những người vợ không gì lớn lao hơn những lời động viên, thăm hỏi của chồng… Dù môi trường quân ngũ với những nội quy, kỷ luật khắt khe nhưng những người lính dù nam hay nữ, họ luôn thấy vinh dự, tự hào.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm