Chuyện về những nghĩa trang đặc biệt giữa biển khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc, có những nghĩa trang đặc biệt mà không phải ai cũng biết. Đặc biệt bởi những nghĩa trang ấy không có phần mộ như ở đất liền, hoặc có phần mộ nhưng chỉ một thời gian ngắn lại di dời hài cốt các liệt sĩ về đất mẹ. Đó là nghĩa trang của những liệt sĩ hy sinh ngoài vùng biển, đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Họ là những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho bình yên của biển đảo giữa ngàn khơi Tổ quốc.

Nghĩa trang vĩnh hằng

Ở đảo Trường Sa của Việt Nam có một nghĩa trang vĩnh hằng. Đó là nơi yên nghỉ của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận “Hải chiến Gạc Ma” ngày 14-3-1988. Gọi là nghĩa trang vĩnh hằng bởi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh đều không có phần mộ như trên đất liền, cũng không xếp thứ tự theo dãy trước sau, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là những nhành san hô nằm tận biển sâu và mãi ngủ yên trong lòng biển cả.

 

Lễ tưởng niệm 10 liệt sĩ ở “Nghĩa trang xanh” trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: M.T

Cho đến bây giờ, sau 29 năm trận “Hải chiến Gạc Ma” diễn ra, lịch sử đã sang trang mới. Chẳng ai muốn nhắc đến quá khứ bi thương, song nỗi đau ngày ấy mãi mãi nằm trong lòng dân tộc, mà mỗi lần nhắc đến 2 tiếng Trường Sa, dù thế hệ người Việt ở tuổi 70, 80, dù những sinh viên chưa một lần đặt chân đến Trường Sa hay những người lính áo vằn cánh sóng vừa bước chân vào quân ngũ, từ huyết quản vẫn thấy dâng tràn cảm xúc chen lẫn tình yêu biển đảo đến vô cùng.

Trường Sa ngày càng “thay da đổi thịt”, nước biển ở vùng Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn mặn mòi vị chát, nhưng máu đào của 64 liệt sĩ mãi hòa lẫn biển khơi, xương cốt các anh vĩnh hằng nằm trong lòng biển mẹ, hóa thành sóng, thành gió, thành đá san hô. Để rồi, hàng ngàn người con đất Việt ra Trường Sa mỗi năm đi qua vùng biển này đều bật khóc vào dịp thả hoa tưởng niệm và nghe những câu chuyện kể về những người nằm lại.

29 năm trước, các anh đã ngã xuống để kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la. Sau 29 năm, các anh vẫn là những người anh hùng biển cả của thời đại mới. Các anh đã làm cho Trường Sa thêm xanh và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Các anh đã khiến cho cả thế giới khâm phục và kết nối triệu triệu tấm lòng yêu nước Việt Nam. Dù lịch sử sang trang, nghĩa trang đặc biệt này không bao giờ thay đổi.

Một việc không thể thiếu trong tất cả các chuyến hải trình đến “quần đảo bão tố” này là dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa. Hàng triệu giọt nước mắt nhỏ xuống biển khơi trong khoảng khắc thiêng liêng, triệu bông huệ trắng thả xuống đại dương xanh thẳm cầu mong cho những liệt sĩ Trường Sa mãi mãi ngủ yên dưới tầng sóng lạnh. Xương cốt các anh hóa đá san hô, máu đào các anh đã hòa vào biển mặn, linh hồn các anh đã thành gió, thành khúc quân ca Trường Sa bất tử trên biển.

Nơi các anh nghỉ tạm

Ở quần đảo Trường Sa, bên cạnh nghĩa trang vĩnh hằng còn có những “nghĩa trang tạm”. Đó là nơi “nghỉ tạm” của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc lao động xây đảo. Gọi là “nghĩa trang tạm” bởi sau thời gian nằm lại Trường Sa, xương cốt các liệt sĩ được đưa về đất liền an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Ở “nghĩa trang tạm” này có cả những ngư dân chẳng may gặp nạn trên biển.

Những người con đất Việt và kiều bào mỗi lần đặt chân đến đảo chìm Cô Lin, Đá Lát, Len Đao, hay đảo nổi Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đều không quên thắp hương tri ân các liệt sĩ và những ngư dân nằm tạm ở nghĩa trang này.

 

Thắp hương viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang tạm đảo Sơn Ca. Ảnh: M.T

Nghĩa trang xanh trên thềm lục địa

Ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có một “nghĩa trang xanh”-nơi yên nghỉ của 10 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh từ năm 1990 đến tháng 10-2014. Gọi là “nghĩa trang xanh” vì tất cả các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ có 3 liệt sĩ trước lúc hy sinh có gia đình vợ con, còn lại nguyên vẹn đời trai.

Tháng 12-1990, cơn lốc tố lúc nửa đêm đã đánh sập nhà giàn Phúc Tần 3, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong trận bão tố này, 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh là Trung úy Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, chiến sĩ Hồ Văn Hiền và chiến sĩ Trần Văn Là. Sau đó một năm, tháng 1-1991, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại Nhà giàn Tư chính 1A (Bãi cạn Tư Chính) khi tàu này đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Đêm 12-12-1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A nằm đúng vệt bão quét. Cơn bão này đã đánh sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn xuống biển đêm 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi gồm Đại úy-Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. 13 năm sau, đêm 21-4-2001, tại Nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.

Nghĩ tưởng thời bình lặng im tiếng súng không có mất mát đau thương, song 13 năm sau, ngày 7-10-2014, Đại úy Dương Văn Bắc-trắc thủ radar Nhà giàn DK1/11 lại nằm xuống giữa biển xanh trong khi kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu và bị sóng biển cuốn trôi, để lại hậu phương người vợ trẻ và 2 con trai nhỏ.

Theo thông lệ của những người đi biển, mỗi lần tàu chở đoàn công tác từ đất liền thăm, hoặc đem quà Tết tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, dù sóng yên biển lặng hay biển động sóng lừng, đều dừng lại trên vùng biển DK1 Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, tất cả thành viên đi trên tàu đều xúc động không kìm được nước mắt. Thả hoa xuống biển vừa tri ân những liệt sĩ nằm lại biển khơi, vừa cầu mong cho biển đảo hòa bình, quốc thái dân an; cho những “pháo đài thép” mang linh hồn dáng đứng Việt Nam mãi vững vàng giữa ngàn khơi Tổ quốc.

Đài tưởng niệm những anh hùng của biển

Nằm trong hệ thống “Nghĩa trang đặc biệt”, Đài Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa không chỉ là công trình tâm linh tiêu biểu cấp quốc gia mà còn là nơi “hóa thân” của 150 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, để lại máu xương giữa lòng biển đảo.

Đài Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa được xây dựng ở đảo Trường Sa lớn (tỉnh Khánh Hòa) từ năm 2009 với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Rạng Đông (tỉnh Bình Phước) tài trợ. Sau hơn một năm thi công, ngày 30-4-2010, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng đảo Trường Sa và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đài Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa khánh thành trong niềm xúc động của hàng triệu trái tim người dân đất Việt.

Với diện tích 670 m2, trong đó tượng đài chính cao 12,85 mét, chân đài rộng 7,4 mét, dài 19 mét, Đài Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa đã trở thành công trình tâm linh thiêng liêng, là chốn tĩnh tâm sâu sắc nhất khiến tất cả những người đến đây đều bùi ngùi xúc động. Rất đông chính khách đến Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa đều không cầm được nước mắt khi cầm nén hương thắp lên đài tưởng niệm; hàng ngàn Việt kiều đến Trường Sa từ khắp hành tinh đều ôm cột mốc chủ quyền và đài liệt sĩ tỏ lòng khâm phục những anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mai Thắng

Có thể bạn quan tâm