Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cỏ giêng hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không phải ngẫu nhiên người ta hay sử dụng mỹ từ “hoa cỏ mùa xuân”. Có lẽ vì xuân về, cỏ có cớ để mềm, hoa có cớ để thơm chăng? Kỳ thực, trong mỗi gia đình vào dịp Tết, người ta vẫn rộn ràng với cây hoa cảnh nhiều hơn, thậm chí là ngóng chờ hoa nở cho kịp đêm giao thừa vì sợ đầu năm thiếu đi sắc thắm thì ngày vui lại trở nên tẻ nhạt. Giờ đã là giêng hai, hoa bắt đầu đổi màu. Tôi lại miên man nghĩ nhiều về cỏ.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Hoa lá đẹp nhất ở cái giây phút được treo trên cành biếc. Còn cỏ bao giờ cũng nằm với đất, đi qua bao nhiêu giá rét và lớp lớp sương lạnh để có được những mùa long lanh. Nhất là cỏ dại, nhỏ bé mà dẻo dai. Chẳng cần bàn tay chăm sóc của con người, cứ tự nhiên, hoang dại và kiêu hãnh đến lạ. Màu xanh của cỏ đổi sắc theo mùa: đông phôi phai, hạ xao xuyến, thu quyến rũ và xuân thắp màu hy vọng. Cứ thế, đất trời chẳng bao giờ vắng cỏ. Những ngày mưa xuân giăng vào miền nhớ, cỏ lại khấp khởi vì được tưới mình, được mềm như dải lụa, óng như vầng trăng non và sẽ thơm như môi người con gái.
Ai đã từng đi trên cỏ mới thấm hết cái nồng nàn của cỏ. Cỏ vốn dung dị mà đa tình, đắp xanh bờ bãi, ươm mầm nắng xôn xao. Ở thôn quê giờ này chắc cỏ đã gieo mình tít tắp triền đồi. Đám trẻ con lại thả diều, chăn trâu và nheo đôi mắt cười thơ ngây trên cỏ, những vạt cỏ hiền lành. Nếu thiếu cỏ, mặt đất sẽ trần trụi và vắng lặng biết nhường nào.
Làm sao để con người ta sống hồn nhiên và vô tư như cỏ? Có người nói hạnh phúc tựa như một chuyến tàu nhanh mà người đời không bao giờ muốn dừng ở ga xép. Thế rồi cứ vội vàng mãi. Thử một sớm mai tìm đến chân trời nào có cỏ, nằm gối mình lên thảm xanh non, lặng nghe hương cỏ thì thào với gió những lời say mê… để sống chậm lại, thả mình ra thênh thang với đất trời và an nhiên như lòng cỏ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đặt nhan đề cho cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê nghèo khó là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Một cái tên đầy ấn tượng! Thêm một lần nữa, cỏ lặng lẽ làm nền, cỏ xanh để hoa được rực vàng hơn. Dẫu có người mãi ngắm hoa mà quên mình thì cỏ vẫn cứ vui. Có lẽ sau rất nhiều nếm trải, cỏ vẫn sáng trong, để hoa nói hộ lời yêu với mùa xuân.
Giêng hai, tôi chưa thử cảm giác cúi thật gần và hôn lên cỏ, nhưng tin là cỏ vẫn non xanh…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm