Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất cà phê. Tận dụng lợi thế đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư đưa cà phê trở thành cây trồng chủ lực của địa phương; đồng thời, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mặt hàng này dần thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Với diện tích trên 98.700 ha (trong đó có gần 88.700 ha đã cho sản phẩm), cà phê trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Đặc biệt, Gia Lai đã có sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA và đây cũng là doanh nghiệp tiêu biểu trong xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Sản phẩm cà phê Gia Lai kỳ vọng có bước tiến dài trên thị trường thế giới khi tham gia Dự án “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam”. Ảnh: M.K |
Đánh giá về sản phẩm cà phê Gia Lai, bà Thitapha Wattanapruttipaisan-Giám đốc Văn phòng WIPO tại Singapore-cho rằng: “Cà phê Gia Lai có hương vị rất đặc trưng. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được phủ sóng trên thị trường thế giới. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn cà phê Gia Lai tham gia Dự án thí điểm “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” để thương mại hóa các tài sản trí tuệ nhằm phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân và quảng bá sản phẩm ra thế giới. Chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Gia Lai trên sàn thương mại điện tử, tiếp cận trực tiếp đến khách hàng, tăng độ nhận diện cho sản phẩm để sản phẩm cà phê Gia Lai được nhiều người biết đến”.
Còn theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, sự hỗ trợ của WIPO với Dự án “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” cũng góp phần đưa sản phẩm cà phê của Gia Lai ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hân-Chủ cơ sở Nguyễn Hân coffee farm (làng Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) là một trong những người tham gia khóa đào tạo thực tiễn chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho các nhà sản xuất cà phê giai đoạn 1 của WIPO.
Ông chia sẻ: “Đây thực sự là cơ hội tốt đối với những nhà sản xuất cà phê Gia Lai. Chúng tôi được các chuyên gia hướng dẫn thực hành về sở hữu trí tuệ, phương pháp bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, tập trung vào cách thức xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị…
Hương vị cà phê Gia Lai đang dần tiếp cận đến các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…. Ảnh: Mai Ka |
Đặc biệt, chuyên đề “Chương trình ươm tạo thương mại điện tử xã hội” và “Làm chủ sự hiện diện của cà phê Gia Lai trên mạng xã hội, thương mại điện tử” do đại diện WIPO và Công ty TikTok Việt Nam chia sẻ rất mới mẻ và tạo nhiều hứng thú. Đây là cách để sản phẩm cà phê Gia Lai tiếp cận thị trường thế giới nhanh và ấn tượng”.
Dự án “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” được WIPO thiết kế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: WIPO tổ chức khóa đào tạo thực tiễn chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho các nhà sản xuất cà phê Gia Lai vào giữa tháng 4-2023.
Giai đoạn 2: WIPO tiếp tục triển khai hoạt động giới thiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên nền tảng thương mại trực tuyến và xây dựng các tài liệu quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Chiến dịch quảng bá sản phẩm sẽ được xây dựng theo nhu cầu và điều kiện thực tế của các doanh nghiệp, nhà sản xuất của địa phương. Thời gian thực hiện giai đoạn 2 của dự án dự kiến vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-thông tin: Dự án được triển khai với mục tiêu giúp các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có góc nhìn sâu sắc hơn về xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị; đồng thời, có những tư vấn thiết thực trong xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ nhằm tạo vị thế cạnh tranh tốt trên các thị trường mới.
Theo đó, các nhà sản xuất cà phê Gia Lai tham gia dự án sẽ tiến hành các bước gồm: giới thiệu và bán được sản phẩm của mình trên nền tảng thương mại trực tuyến (TikTok); xây dựng chiến dịch quảng bá sản phẩm; xây dựng và công bố hệ thống tài liệu quảng bá cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khi tham gia dự án, chúng ta biết thêm được quá trình thực hiện chỉ dẫn địa lý và cách quản lý, đặc biệt có cách nhìn mới trong việc xây dựng hệ thống quảng bá sản phẩm. Dự án “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm cà phê Gia Lai phát triển phù hợp với xu thế hiện nay.