Bạn đọc

Cơ hội vàng từ "năng lượng xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với ưu điểm trữ lượng lớn, chi phí thấp, an toàn cho người sử dụng…, thời gian gần đây, việc khai thác nguồn năng lượng từ gió và mặt trời đã được tỉnh chú ý kêu gọi đầu tư. Theo đó, sau khi tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 12-2016, nhiều nhà đầu tư đã đến đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Dồi dào tiềm năng

Theo các nhà nghiên cứu, Gia Lai có số giờ nắng trung bình 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm3 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,8-5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, công suất có thể đạt khoảng 4.600 MW. Trong đó, các dự án điện mặt trời trên đất khoảng trên 2.100 MW, điện mặt trời nổi trên nước khoảng trên 2.500 MW.  

 

Hệ thống ghép pin mặt trời ở xã Trang (huyện Đak Đoa). Ảnh: H.D

Tiềm năng là vậy, nhưng từ trước tới nay, tỉnh ta chưa thực sự quan tâm tới lĩnh vực này. Trên địa bàn tỉnh, tới thời điểm này, dự án liên quan tới nguồn năng lượng mặt trời chỉ có hệ thống ghép pin mặt trời với thủy điện nhỏ xã Trang do Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển Công nghệ công nghiệp Nhật Bản tài trợ, được xây dựng và bàn giao cho Công ty Điện lực Gia Lai vận hành năm 1999. Đây là công trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Năng lượng Việt Nam (IE) và Tổ chức NEDO với tổng giá trị đầu tư 2 triệu USD, công suất 100 kW ghép với 1 máy phát thủy điện nhỏ PV-MH 25 kW, cấp điện cho hơn 400 hộ ở xã Trang, huyện Đak Đoa.

Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tỉnh ta đã chú ý kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, sau khi tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 12-2016, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.

Tính đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép 23 doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư 32 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng gần 3.952 MWp. Trong đó, 1 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư với tổng công suất là 49 MWp; 8 dự án đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất là 579 MWp; 23 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến 3.313,5 MWp. Ngoài ra, còn có 11 nhà đầu tư với 16 dự án điện mặt trời đang khảo sát, chọn vị trí, đề xuất UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến 1.203 MWp.

Đối với điện gió, qua khảo sát sơ bộ, Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng với công suất đạt khoảng 1.800 MW, trong đó, khu vực phía Đông tỉnh khoảng 700 MW, phía Đông Nam khoảng 400 MW, phía Tây khoảng 600 MW và khu vực TP. Pleiku khoảng 100 MW. Tính đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép 4 nhà đầu tư triển khai khảo sát, đánh giá tiềm năng gió để đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Trao đổi với P.V, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Sở Công thương đã có Tờ trình số 51/TTr-SCT ngày 2-11-2017 kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương cho phép triển khai các thủ tục, hồ sơ lập quy hoạch phát triển điện mặt trời để làm cơ sở cho việc quản lý, đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh”.

Để có cơ sở cho việc quản lý, đầu tư phát triển các dự án điện gió, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty cổ phần Phong điện Tây Nguyên lập quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến đầu năm 2018, quy hoạch phát triển điện gió sẽ được trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: Sở đã giới thiệu các khu vực có tiềm năng phát triển dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng đã hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ và văn bản pháp lý có liên quan để triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho các nhà đầu tư, triển khai hoặc phối hợp triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời của tỉnh. Ngoài ra, Sở còn xây dựng danh mục các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018.

Việc thu giữ năng lượng mặt trời, năng lượng gió gần như không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đây cũng là nguồn năng lượng quý giá có thể thay thế những dạng năng lượng cũ đang ngày càng cạn kiệt. Tỉnh ta đang có cơ hội vàng về thu hút đầu tư từ nguồn “năng lượng xanh” này. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam), điều quan trọng nhất là cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện mặt trời.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm