"Có những mùa Xuân lặng lẽ xa nhà"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thượng tá Phạm Hữu Đức-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: “Năm 2014 là một năm khá gian nan với Đội Trọng án. Có thời điểm xảy ra tới 7 vụ giết người trong 1 tháng. Trong 41 vụ được đơn vị phối hợp làm rõ, có 30 vụ giết người, 2 vụ giết người cướp tài sản, 2 vụ hiếp dâm trẻ em”. Ghi nhận những nỗ lực đó, đơn vị vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh công nhận danh hiệu đơn vị quyết thắng.

Viết về cảnh sát hình sự-một đề tài dường như chưa bao giờ cũ, tôi lại nhớ đến những ca từ thật tinh tế của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan: “Có những mùa xuân lặng lẽ xa nhà/Những khi sắc hoa nở vô tình ngơ ngác/Có những màn đêm, người vợ hiền thao thức/Nghe gió lao xao ngóng theo bước chân anh”… (Trích “Tình khúc Công an Gia Lai”).

 

Ảnh: Thúy Trinh
Ảnh: Thúy Trinh

Đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình đối với lính hình sự quả thực là một điều xa xỉ, nhất là cán bộ chiến sĩ Đội Trọng án (thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an tỉnh). Đây thường là thời điểm xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng buộc họ lao vào vòng xoáy công việc. Đối phó với bọn tội phạm hiểm ác, những kẻ sát nhân máu lạnh, hung khí đầy mình là công việc thường xuyên của các anh. Nhưng không vì thế mà quyết tâm phá án giảm đi, bởi mỗi một chuyên án thành công, mỗi một tên tội phạm bị bắt giữ đem lại một tín hiệu tốt lành cho cuộc sống bình yên …

Một điều tra viên thuộc Đội Trọng án cho biết: Anh nhớ nhất là vụ án mạng xảy ra cách đây 4 năm. Khoảng 23 giờ ngày 28 Tết, nhận được cuộc gọi từ Công an TP. Pleiku về cái chết của Thiệu Văn Hùng (SN 1994, hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vì 2 nhát dao, bỏ cuộc chuyện trò với anh em thân hữu trong ngôi nhà ấm cúng, anh cùng đồng đội lập tức đến hiện trường trong tiết trời rét cắt da thịt.

Đã khuya, quanh khu vực vụ án mạng xảy ra trên đường Lê Duẩn (thuộc tổ 13, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chỉ còn lập lòe vài ánh đèn. Ba bác xe ôm đứng cạnh nhau chống chọi với cái rét, hy vọng kiếm thêm chút đỉnh cho ngày Tết. Vài chủ quán hàng còn thức để phục vụ nước uống cho những chuyến xe muộn… Trước lời đề nghị của những người lính sắc phục xanh lá mạ, họ không ngần ngại kể lại những gì đã chứng kiến. Khoảng 16 giờ 45 phút cùng ngày, một đôi nam-nữ đang đi bộ trên đường thì 3 thanh niên đi 2 xe máy buông lời trêu ghẹo rồi xảy ra xô xát. Người nam giật dao của một thanh niên trong nhóm đi xe, đâm người này trọng thương rồi bỏ trốn. Không ai quen mặt kẻ thủ ác, chỉ xác định được vài đặc điểm nhận dạng ít ỏi: nam thanh niên người thấp, gầy, mặc áo khoác đen đi cùng cô gái mặc áo khoác da màu vàng.

Với kinh nghiệm của một điều tra viên kỳ cựu, nhận định rất có khả năng hung thủ sẽ quay lại hiện trường hoặc đến bệnh viện để nghe ngóng, anh cùng đồng đội phát động người dân tố giác tội phạm ở hai địa điểm này. Trưa 29 Tết, một người đàn ông gọi vào số của anh từ bệnh viện nói rằng thấy cô gái mặc áo khoác da màu vàng đi cùng một nam thanh niên trên một xe máy độ chế hiệu NOVA màu xanh. Thông tin quý giá ấy được triệt để khai thác. Những ngày sau đó, các điều tra viên tìm được cô gái nói trên. Mặc dù cố che giấu, nhưng với chứng cứ và lời lẽ thuyết phục thấu tình đạt lý của điều tra viên, cô gái này khai nhận đi cùng hung thủ hôm xảy ra vụ việc. Ngay hôm sau, kẻ thủ ác là Nguyễn Cao Thượng (SN 1988, trú tại tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đến cơ quan Công an đầu thú. Đây là đối tượng có 1 tiền án 12 năm tù về tội giết người, mới được đặc xá, tại ngoại chưa kịp xóa án tích đã lại gây tội ác.  

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ án mất khá nhiều thời gian, công sức. Thế nên làm nghề này, bị vợ, người yêu giận hờn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cũng dễ hiểu, vì chẳng người phụ nữ nào lại muốn đón Tết lẻ loi. Những đứa trẻ vắng cha, dù được mẹ đưa đi chơi nhưng niềm vui cũng vơi đi một nửa.

Đến thăm Đội Trọng án vào những giờ khắc cuối năm, với tôi, nhiều cảm xúc nhất là khi được các trinh sát, điều tra viên trong đội bộc bạch những suy tư rất đời thường. Quyết đoán, sắc bén với tội phạm là thế. Vậy mà khi đối diện với “hậu phương”, các anh gặp muôn hình vạn trạng tình huống dở khóc, dở cười.

“Có khi án mạng xảy ra đúng vào hôm nhà đang cần mình, ngại nhất là thông báo với vợ. Không cần nói ra mình cũng đọc được trong mắt cô ấy hai chữ: Lại đi…”-người trinh sát còn khá trẻ có nước da ngăm nói. “Còn hơn là khi nghe vợ lên tiếng nghi ngờ: Ai mà biết mấy ông đi đâu?!”-một điều tra viên khác hóm hỉnh tiếp lời.

Chuỗi cười tan đi thật nhanh rồi lại nhường chỗ cho những phút trầm lắng. Dường như ai cũng đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Hơn ai hết, họ biết những giận hờn ấy chỉ là một thoáng vu vơ bởi các chị, các mẹ luôn là người tiếp thêm nghị lực cho các anh trên hành trình đấu tranh đầy cam go với bọn tội phạm. Làm vợ lính hình sự, người phụ nữ đã quen dần với niềm hạnh phúc đơn sơ khi thấy ánh đèn và nghe tiếng xe quen thuộc của chồng trở về.

Và, ẩn trong những con người tưởng chừng sắt đá ấy là những mong ước rất đỗi bình dị: có người bạn đời hiểu và biết sẻ chia để các anh không quá xót lòng mỗi khi Xuân đến.

Thúy Trinh

Có thể bạn quan tâm