Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cổ tích thời hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- (Tiểu thuyết “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2016)

1. Dù muốn hay không thì cái tên truyện “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” cũng gợi nhắc người ta đến câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” của anh em nhà Grimm. Chính vì vậy, tôi cho rằng, ngay khi chọn cái tên này cho cuốn sách, Nguyễn Đình Tú đã ngầm mặc định với bạn đọc rằng, anh sẽ kể một câu chuyện cổ tích. Cách chọn tên truyện với ngầm ý rõ rệt này đã được Nguyễn Đình Tú dùng một lần trước đó trong cuốn “Ba nàng lính ngự lâm” (Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2014).

 

 

Và đúng là trong “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, Nguyễn Đình Tú đã kể một câu chuyện cổ tích dù nó không bắt đầu bằng cái điệp khúc “ngày xửa ngày xưa” quen thuộc, dù bối cảnh truyện chỉ mới xảy ra cách đây đôi ba mươi năm và không hề xa lạ với những độc giả thuộc thế hệ 7X, 8X, nhất là những người sinh ra ở vùng nông thôn. Dấu vết cổ tích trong “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” thể hiện rất rõ ở hành trình “sống-để-tìm-kiếm” của cậu bé Hưng. Giống như những nhân vật cậu bé tí hon, cô bé quàng khăn đỏ… trong chuyện cổ tích châu Âu, Hưng cũng đã phải trải qua rất nhiều biến cố nguy hiểm, từ đắm đò, bị bắt vào tiệm rửa xe, gặp tai nạn trên đèo Lông Chông rồi sa chân vào “động quỷ” karaoke ở Sài Gòn. Ở mỗi biến cố, cái “ác” (như cách thường gọi về tuyến nhân vật phản diện trong chuyện cổ tích) lại xuất hiện với một gương mặt khác nhau, đó là cơn lũ bất ngờ trên sông Hoành, là bà vợ ông Gia và cậu em trai bà ta hay gã đàn ông râu quai nón trong động karaoke. Đối nghịch với những hoàn cảnh, nhân vật này là các “ông bụt”, “bà tiên” có tên tuổi, công việc rõ ràng, đó là bố con cô Đào, chú Gia, gia đình anh Vũ, gia đình cô Bỉnh hay chú Hùng công an. Họ luôn xuất hiện rất kịp thời, đúng chỗ để giúp cậu bé Hưng vượt qua những biến cố nguy hiểm. Rồi giống như các câu chuyện cổ tích, “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” cũng khép lại với một cái kết có hậu dù khi gấp sách lại, nhiều bạn đọc vẫn băn khoăn: “Vậy thì mẹ Hưng là ai? Nếu bố Hòa không phải là bố đẻ của Hưng thì Hưng đến từ đâu? Hưng có tìm được bố mẹ thực sự của anh không?”.

2. Trong “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, ẩn dưới hành trình “sống-để-tìm-kiếm” mẹ của cậu bé Hưng, nhà văn Nguyễn Đình Tú còn muốn nói về một hành trình khác, hành trình “sống-để-tìm-kiếm” những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người. Điều này khiến tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Minh Châu, người từng quan niệm rằng thiên chức của nhà văn là phải “cố gắng đi tìm cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Và thật ngẫu nhiên khi cả Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Đình Tú đều là người của “nhà số 4” (một tên gọi thân thuộc của trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Chẳng biết Nguyễn Đình Tú có chịu ảnh hưởng phần nào quan niệm nghệ thuật này của Nguyễn Minh Châu hay không nhưng có thể thấy, ở tất cả các tiểu thuyết của anh, dù viết về đề tài nào, dạng nhân vật nào thì người đọc cũng nhận ra, nhà văn đang miệt mài tìm kiếm và ngợi ca những vẻ đẹp của con người, dù ở nhiều nhân vật nó chỉ xuất hiện le lói. Có điều, không ở cuốn tiểu thuyết nào của Nguyễn Đình Tú, lòng tốt, người tốt lại xuất hiện nhiều và đều mang một khuôn mặt hết sức bình dị như trong “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”. Đó là những con người nghèo khó nhưng sẵn sàng dang rộng vòng tay che chở, bảo bọc, nhường cơm xẻ áo cho cậu bé Hưng như cha con cô Đào, như gia đình anh Vũ hay mẹ con cô Bỉnh.

Khép lại cuốn tiểu thuyết “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, khép lại hành trình “sống-để-tìm-kiếm” của cậu bé Hưng, trong chương cuối cuốn sách mang tên “Ghi chú của nhà văn”, Nguyễn Đình Tú đã gửi đến bạn đọc một thông điệp: “Cuộc sống này dẫu sao đi nữa thì vẫn rất đáng tin yêu bởi người tốt luôn nhiều hơn người xấu”. Đây là một thông điệp đầy ý nghĩa, không chỉ đối với những bạn đọc nhỏ tuổi mà còn với tất cả chúng ta. Nó giúp mỗi người có thêm niềm tin để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống hiện nay, nơi mà nhiều khi những giá trị xấu-tốt, thật-giả cứ đan xen lẫn lộn, khó phân biệt. Và bởi vậy, khi gấp lại tiểu thuyết “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, tôi lại nhớ đến bài thơ “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” của Xuân Diệu với những câu thơ đầy tin yêu, lạc quan: “Chúng ta yêu sự sống bền dai, vĩnh viễn, bao la!/Nhất định chúng ta gìn giữ nhóm nhen sự sống/Vẫn cứ hoa nở chim kêu, cuộc đời lồng lộng/Nhất định trời cao đất rộng còn vui nắng sớm mây trưa”.

Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm