Thời sự - Bình luận

"Cởi trói" để đất đai là nguồn lực phát triển đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội khóa XV thảo luận trong đợt 1 của kỳ họp thứ 2 là Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Trong các buổi thảo luận, đa số đại biểu đánh giá: Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an ninh lương thực, quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống người dân. Nhiều chỉ tiêu đạt thấp, có chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, di tích, danh thắng, đất dành cho việc xử lý chất thải môi trường…

Quy hoạch sử dụng đất phải tính đến sự chi phối của cơ chế thị trường, để đất đai được quản lý, sử dụng đúng với giá trị thực của nó, biến đất đai thành nguồn lực đặc biệt phục vụ nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất quan trọng nhất thuộc sở hữu toàn dân. Ảnh: Hoành Sơn


Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất quan trọng nhất thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Vì vậy, nếu quy hoạch tốt, đất đai sẽ là nguồn lực quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột về lợi ích giữa cá nhân, tập thể, doanh nghiệp… dẫn tới tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài, cho thấy quy hoạch sử dụng đất đai vẫn không theo kịp nhu cầu thực tiễn cuộc sống, vẫn “lệch pha” với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới cần đảm bảo thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, vùng, địa phương và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phải phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò giám sát của Nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, chống lợi ích nhóm trong quy hoạch sử dụng đất đai. Đồng thời đưa ra các chỉ số cụ thể như quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất khu công nghiệp… và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, “cởi trói” để đất đai thành nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Việc giữ hơn 3,5 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực và chiến lược xuất khẩu của quốc gia cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt vấn đề: Liệu có nhiều không khi năng suất lúa bây giờ đã cao hơn nhiều nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ? Làm gì để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển mà vẫn yên tâm giữ được đất lúa? Chế tài nào để các địa phương không tùy tiện chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác?

Hay làm sao để hài hòa mục tiêu đảm bảo độ che phủ rừng 43%, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên; có nên giảm diện tích đất rừng phòng hộ ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên khi thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên và ngày càng dữ dội hơn; làm thế nào để người dân sống được với rừng; quy hoạch lâm nghiệp cần hài hòa nhu cầu sản xuất của dân với các lâm trường, tránh tình trạng “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”.

Là tư liệu sản xuất đặc biệt, đất đai cần được quy hoạch, quản lý và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cần loại bỏ lối quy hoạch cứng nhắc, chưa phản ánh hết những tác động ngược từ cuộc sống. Thay vào đó, quy hoạch sử dụng đất phải tính đến sự chi phối của cơ chế thị trường, để đất đai được quản lý, sử dụng đúng với giá trị thực của nó, biến đất đai thành nguồn lực đặc biệt phục vụ nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm