Điểm đến Gia Lai

Cơm sấy Vạn Nguyên: Đặc sản Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến Pleiku, du khách sẽ được thưởng thức món cơm sấy tự nhiên rộm vàng, giòn tan, lẫn những miếng ớt đỏ lựng, cay xè của vựa rau An Bình (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) nổi tiếng. Đặc biệt hơn, món quà vặt này ngon còn bởi sự an toàn, vì người sản xuất chọn slogan “tâm-tầm-tài” cho trang web Vạn Nguyên cơm sấy thuần Việt.
Từ bỏ công việc với mức lương hấp dẫn cách đây gần chục năm, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (số 765/90 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) bắt tay vào xây dựng thương hiệu cơm sấy Vạn Nguyên. Với gần 1.000 m2 nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại và quy trình sản xuất khép kín, mỗi tháng, cơ sở đã làm ra 40 tấn cơm sấy (cơm sấy chà bông gà lá chanh, cơm sấy rong biển chay).
Chị Hạnh chia sẻ: “Từ nhỏ mình đam mê và có chút năng khiếu nấu nướng. Vì bố mẹ ăn chay trường nên mình mày mò làm cơm sấy rong biển. Khi mọi người đến chơi, ăn thấy ngon nên động viên mình làm để bán. Lúc đầu cũng trầy trật, có lần phải bỏ đi cả trăm triệu đồng tiền gạo vì lỗi kỹ thuật, nhưng đến bây giờ thì cũng tạm ổn. Đã có đơn đặt hàng từ đối tác Đài Loan, chờ dịch bệnh ổn định, mình sẽ xúc tiến. Còn hiện tại mình chỉ bán trong nước, với công suất mỗi ngày hơn 1 tấn gạo. Tương lai mình còn mở rộng thêm các món khác như: phở sấy, nông sản sấy dẻo để góp phần sơ chế, tiêu thụ nông sản giúp bà con”.
Sản phẩm cơm sấy Vạn Nguyên. Ảnh: Tú Uyên
Sản phẩm cơm sấy Vạn Nguyên. Ảnh: Tú Uyên
Chứng kiến không khí sản xuất tấp nập của cơ sở sản xuất cơm sấy Vạn Nguyên, tôi không thể tưởng tượng được mức tiêu thụ của mặt hàng này lại lớn đến vậy. Gạo sau khi được vo sạch trong nước, đem vào nồi hấp chín, ép thành bánh mỏng và phơi trong nhà kính. Tận dụng ánh nắng của cao nguyên Pleiku, sau 3 ngày cơm sấy đạt độ ẩm đưa vào chiên, rồi tách dầu và tẩm gia vị. Để tạo độ kết dính cho cơm thành phẩm, cơ sở đã trộn thêm 20% gạo nếp. Gạo được chọn kỹ từ vựa lúa mới gặt ở các huyện phía Đông Nam tỉnh. Vì không sử dụng chất bảo quản, phụ gia nên hạn sử dụng của sản phẩm cơm sấy chỉ trong vòng 4 tháng và có vị hoàn toàn tự nhiên. Dầu chiên giòn đã được tách kỹ nên sản phẩm đóng gói không bay mùi hôi dầu, mắm dùng để làm gia vị là nước mắm truyền thống nhưng nhờ kỹ thuật khử đặc biệt nên miếng cơm giòn, ngọt tự nhiên, mà không có mùi mắm. Rong biển sấy, chà bông gà, ớt, chị đều tự làm hoặc nhập của bạn hàng uy tín. Chị Hạnh chia sẻ thêm: “Sản phẩm mình làm ra trước hết là người thân, gia đình, bạn bè dùng, nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì mang tội! Hơn nữa, mình cũng xác định, làm gì cũng lấy cái tâm làm đầu. Mình đặt tên sản phẩm là Vạn Nguyên ngụ ý rằng sản phẩm này của Tây Nguyên sẽ có giá trị lâu dài, mãi mãi”.
Chị Trần Thị Thu Hồng (chủ tạp hóa Hồng Danh, số 375 Lê Duẩn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi đã bán cơm sấy Vạn Nguyên từ khi cơ sở sản xuất mới thành lập. Khách hàng của tôi rất ưa thích sản phẩm này vì nó có 2 vị chay và mặn rất phù hợp khẩu vị”.
Chắt chiu dinh dưỡng kết tinh từ lòng đất bazan triệu năm đã giúp hạt gạo của cao nguyên Gia Lai thêm vị ngọt. Chị Hạnh đã tận dụng nắng gió cao nguyên để sấy những mẻ cơm thơm giòn, đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động là người Jrai ở địa phương.
Với niềm đam mê và cái tâm của người yêu Phố núi, chị Hạnh đã góp thêm một nón quà vặt hấp dẫn du khách khi đặt chân đến cao nguyên Pleiku đầy nắng và gió.
TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm