Thời sự - Bình luận

Côn đồ mạng - từ 'cào phím' đến múa kiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Càng ngày càng có nhiều vụ hỗn chiến mà nguyên nhân không đâu vào đâu do mâu thuẫn bình luận trên mạng xã hội.

Cụ thể, tại TP.Đà Nẵng, hầu như tháng nào cũng có những vụ việc thanh thiếu niên chém nhau do mâu thuẫn nhỏ nhặt vì mạng xã hội. Có vụ hai thiếu niên cùng thích một bạn nữ, chỉ vì bình luận chọc ghẹo nhau khi thiếu nữ này đăng ảnh Facebook mà xích mích.

 

 Tháng 9.2021, TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Quang Hướng (18 tuổi, ngụ Quảng Nam) 6 năm 6 tháng tù tội giết người, nguyên do cũng vì chửi nhau qua Facebook - Ảnh: N.T
Tháng 9.2021, TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Quang Hướng (18 tuổi, ngụ Quảng Nam) 6 năm 6 tháng tù tội giết người, nguyên do cũng vì chửi nhau qua Facebook - Ảnh: N.T



Các “anh hùng bàn phím” (từ dùng mỉa mai của cộng đồng mạng - PV) này đã lập tức huy động “anh em xã hội”, phục kích chém gục một thiếu niên gây thương tích đến hơn 50%, hậu quả hơn 10 bị cáo lãnh án giết người. Phổ biến hơn là các nhóm nghiện game online. Chỉ cần chửi nhau trong lúc chơi game, các tiệm internet liền trở thành chiến trường thật thay cho chiến trường ảo trong game.

Có thể thấy các phương tiện mạng xã hội hiện nay giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc kết nối, giao tiếp với mọi người. Cũng chính sự dễ dàng này, nhiều người đã sa vào thói quen xấu “tay nhanh hơn não”, cũng bởi sự chủ quan nghĩ rằng không ai làm gì được mình trên không gian mạng.

Tuy nhiên, “anh hùng bàn phím” thì ảo nhưng đao kiếm lại là thật. Từ những thách thức nhỏ, cùng với các bình luận hùa theo xúi giục của nhiều thanh thiếu niên khác, dễ dàng thêm dầu vào lửa, châm ngòi cho các trận hỗn chiến.

Những vụ đâm chém nhau xuất phát từ mạng xã hội vừa qua còn cho thấy nếu không có được văn hóa giao tiếp thì sẽ ngày càng có nhiều hậu quả của việc thiếu ứng xử phù hợp trên mạng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang có biểu hiện sống trong thế giới mạng ảo nhiều hơn đời thực.

Do đó, ở góc độ gia đình và nhà trường, cần giáo dục cho con em những nguyên tắc về ứng xử qua mạng xã hội, như một kỹ năng mềm. Nếu chờ thanh thiếu niên khi lớn lên, ra đời mới cần học về giao tiếp xã hội thì đã muộn, vì mạng xã hội hiện nay gần như là một phần của đời sống.

 

Theo NGUYỄN TÚ (TNO)

Có thể bạn quan tâm