Còn đó nỗi đau da cam…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
12.464 là con số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó có đến 4.876 nạn nhân là trẻ em, gần 700 người không thể tự phục vụ được bản thân, hàng trăm nạn nhân cần được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình… Thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, song dường như, nỗi đau da cam vẫn còn đó…

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng với cựu binh Kpă Thok (thị trấn Phú Túc- huyện Krông Pa) thì nỗi đau và sự ám ảnh của cuộc chiến vẫn chưa một phút giây dừng lại. Kpă Thok từng tham gia chiến đấu ở vùng căn cứ cách mạng Đất Bằng, huyện Krông Pa. Năm 1979, anh lập gia đình và bắt đầu cuộc sống mới với Alê H’Linh- người con gái cùng làng. Cuộc sống cứ êm đềm trôi và niềm vui nhân lên khi đứa con đầu lòng- Alê Phan ra đời. Lành lặn và kháu khỉnh, Phan cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương của đôi vợ chồng trẻ. Năm 1986, anh chị quyết định sinh thêm một đứa nữa cho thằng Phan có anh, có em… “Ngày sinh con Alê H’Bế, cả làng đồn rằng vợ chồng tôi bị Yang phạt, vì H’Bế cứ tròn lẳn như một cục thịt, chẳng khóc, chẳng cười, chân tay co quắp… 5 năm sau, H’Bế mới… biết ngồi, nhưng chẳng biết nói năng gì hết. Nó chỉ biết khóc, cười và la hét ú ớ. Không biết đứng, chẳng biết đi, suốt ngày chỉ lê lết khắp nhà”- ông Kpăh Thok ngậm ngùi kể về đứa con gái của mình.

Gia đình cựu binh Kpă Thok. Ảnh: L.H
“Nuốt nỗi đau vào trong, vợ chồng tôi động viên nhau đặt niềm hy vọng vào đứa con tiếp theo. Năm 1993, vợ tôi sinh đứa thứ ba, thằng Alê Thắm bây giờ. Thật khủng khiếp, một bên chân của Thắm bị bại liệt, lúc nào cũng trơ như khúc củi. Lớn lên lại phát hiện ra thêm cánh tay phải của nó rất yếu”- Kpă Thok trải lòng. Hai vợ chồng còng lưng ra làm, kiếm tiền chữa trị cho con, nhưng vô ích… Năm 2007, tai họa lại một lần nữa giáng xuống gia đình khi Kpă Thok bị tai biến! Mất đi lao động chính, thằng Thắm, dù liệt vẫn khá hơn con H’Bế, lam lũ theo mẹ làm thuê, làm mướn trang trải cuộc sống…

… Vợ chồng cựu chiến binh Rơ Mah Chêl và Ksor Hyan (làng Krêl- huyện Đức Cơ) từng là bộ đội tham gia ở Đại đội 31 (thuộc Huyện đội Khu 4, Tỉnh đội Gia Lai- ngày ấy). Năm 1976, họ kết hôn. “Ngần ấy năm chung sống, đã 4 lần vợ chồng tôi tưởng có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ, nhưng cả 4 lần chẳng có đứa nào chịu ở lại. Chúng cứ lần lượt về với Atâu khi tiếng khóc còn chưa kịp cất lên…”- bà Ksor Hyan ngậm ngùi. Lúc ấy ông bà mới biết, thứ chất độc da cam khủng khiếp mà họ nhiễm phải trong những năm tháng chiến đấu đã tước đi của họ quyền làm cha, làm mẹ…

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng và ác liệt, ngày 14-6-1961, đế quốc Mỹ đã tiến hành rải thảm thứ chất độc chết chóc dioxin dọc suốt tuyến đường 14 Gia Lai- Kon Tum và các khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Cũng kể từ hành động phi nhân tính đó, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Gia Lai phải gánh chịu tai họa khủng khiếp, kéo dài đến cả những thế hệ sau. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1.728 đối tượng nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ phụ cấp, tương đương chiếm chưa đầy 14%. Đây là một con số quá khiêm tốn trước yêu cầu thực tế.

Ông Đỗ Tiến Quý- Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, nói: Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhưng do nhiều nguyên nhân, một số nạn nhân vẫn chưa nhận được… Đó là một thách thức lớn trong công tác an sinh xã hội của đất nước ta nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, nhất là khi Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ vẫn khăng khăng chối bỏ tội ác mà họ đã gây ra. Tiếp tục đấu tranh đòi công lý, trước mắt, rất cần sự chung tay, góp sức từ phía cộng đồng để giúp đỡ nạn nhân da cam”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm