"Con đường học tập phải kiên trì và đam mê"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiến sĩ Khoa học (TSKH) Nguyễn Ngọc Thạch là cựu học sinh Trường THPT Pleiku, hiện là quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ-Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Theo đuổi đến cùng con đường học vấn

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: Năm 1989, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tổng hợp Huế. Với 3 môn thi anh đạt tổng số điểm 24,5 và trở thành một trong 2 tân sinh viên của khoa được trường chọn cử đi đào tạo tại Liên bang Nga.

 

Ảnh: Hà Đức Thành
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Thạch. Ảnh: Hà Đức Thành

Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Sư phạm Orel, anh quyết tâm theo học văn bằng 2 chuyên ngành kinh tế. Để có điều kiện tiếp tục con đường học vấn, anh xin làm tư vấn cho các công ty kinh doanh của người Việt tại Liên bang Nga, vừa đi làm vừa tranh thủ đi học. “Lúc này Liên Xô vừa tan rã nên vật giá rất đắt đỏ, mỗi tháng tôi đi làm thêm được 500 USD, cộng với khoản học bổng ít ỏi nên phải dè xẻn từng chút một để đảm bảo cuộc sống và học tập, nhưng chính những khó khăn này là động lực giúp tôi có thêm nghị lực”-anh tâm sự.

Tháng 2-2001, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành kinh tế học tại Trường Đại học Nông nghiệp Orel. Không dừng ở đó, anh tiếp tục vừa học vừa làm và năm 2005, khi vừa tròn 35 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học ngành Kinh tế học tại Hội đồng thẩm định tối cao, Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga. Sau đó anh ở lại Nga thêm một thời gian để học hỏi và tích lũy thêm một số kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế. Có người thắc mắc, vì sao anh quyết tâm theo đuổi tới cùng con đường học vấn như vậy, trong khi nhiều người chỉ cần tốt nghiệp đại học ở nước ngoài đã thấy tự hài lòng? Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: “Đó là do có niềm đam mê trong học tập. Trong suy nghĩ của tôi, tôi chỉ nghĩ đến việc học và học không toan tính đến con đường làm kinh tế cũng như mưu cầu địa vị xã hội”.

“Bí quyết” đi đến thành công

Năm 2010, sau 20 năm học tập và công tác tại Liên bang Nga, TSKH Nguyễn Ngọc Thạch quyết định trở về Việt Nam và làm giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Với kinh nghiệm của một chuyên gia, sau thời gian công tác anh được nhà trường tín nhiệm giao trọng trách Phó Viện trưởng, rồi quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, ngoài công việc chuyên môn anh còn đảm nhận giảng dạy các lớp sau đại học của trường và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thời gian qua anh đã hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 1 đề tài cấp bộ.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Thạch cũng đã công bố 29 bài báo khoa học trong nước, 15 bài báo khoa học ở nước ngoài và xuất bản 8 cuốn sách. Một số đề tài nghiên cứu tiêu biểu của anh gồm: Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long: các xu hướng và giải pháp phát triển; Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; Đánh giá năng lực cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020… TSKH Nguyễn Ngọc Thạch cho biết anh cũng đã liên hệ với tỉnh Gia Lai để tham gia một số đề tài khoa học nhưng chưa có đề tài nào phù hợp với chuyên ngành của anh.

Nói về con đường học tập và nghiên cứu của mình, TSKH Nguyễn Ngọc Thạch đã chia sẻ một số “bí quyết” để thành công trên con đường nghiên cứu khoa học. Đó là phải chọn cho được một chương trình học, một hướng đi và kiên trì theo đuổi định hướng của mình; chọn trường, trung tâm tốt để có môi trường học hỏi và làm việc lý tưởng; chọn thầy cô tốt, là những người có tiếng về nghiên cứu. Bên cạnh đó phải tương tác và hợp tác với đồng nghiệp, bạn đồng môn; luôn nhìn vấn đề một cách tổng quát, tập thói quen hoài nghi và đặt vấn đề, phát hiện vấn đề; rèn luyện kỹ năng thông tin và truyền đạt...

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm