Con voi cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên đã chết sau nhiều năm cô độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều ngày 3-12, Yă Tao-con voi cuối cùng ở khu vực Bắc Tây Nguyên đã chết trong núi Ia Tul (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Gia đình người quản tượng trông coi đã nỗ lực chở Yă Tao về chôn cất ngay bên rẫy của gia đình. Từ nay, Yă Tao không còn cô đơn nữa. 
Cô độc nhiều năm
Xưa kia, Chư Mố nổi tiếng là vùng nuôi nhiều voi với hàng chục con voi lớn nhỏ. Voi chung sống hòa bình cùng dân làng, giúp người dân chuyên chở đồ vật, kéo gỗ làm nhà. Theo thời gian, sự ra đời của máy móc hiện đại thay thế dần sức voi. Những người quản tượng không đủ kinh phí nuôi voi đành phải bán dần. Cả một vùng Chư Mố nổi danh nuôi nhiều voi chỉ còn mình voi đực Bak Xôm của ông Ksor Chăm. Thương Bak Xôm đơn độc, năm 1990, ông Chăm đem phần lớn tài sản mình có được đến phiên chợ voi tại tỉnh Đak Lak mua thêm Yă Tao. Bak Xôm cùng Yă Tao kết duyên với nhau thắp lên mơ ước của cả dân làng sẽ có những chú voi con khỏe mạnh chào đời. Nhưng rồi, hy vọng của dân làng bị dập tắt khi không lâu sau Bak Xôm bệnh nặng rồi chết. Yă Tao lẻ bóng một mình khi mới hơn 20 tuổi.
Voi Yă Tao qua đời trong núi Ia Tul (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Vũ Chi
Bak Xôm ra đi, niềm vui duy nhất của Yă Tao là được ở bên người chủ của mình. Nhưng ông ngày một già yếu, đau bệnh triền miên. Sợ voi thiếu đồ ăn sẽ phá hoại ruộng rẫy của dân làng nên voi được đưa lên núi Ia Tul ở. Mỗi khi thấy khỏe trong người, ông Chăm lại lên rừng tìm Yă Tao trò chuyện. Gặp chủ, Yă Tao mừng lắm, cả ngày đùa nghịch dưới dòng sông Tul  êm đềm chỉ để được chủ tắm rửa, vuốt ve. Rồi một lần nữa, Yă Tao phải đối diện với sinh-ly, từ biệt. Tháng 4-2017, ông Chăm qua đời. Yă Tao được đưa về làng Plei Apa Kdranh để đưa tiễn chủ. Anh Ksor Alưh-con rể ông Chăm ngồi trên lưng voi dẫn đầu đoàn đưa tang. Anh kế: Thường ngày, voi rất sợ đông người, nhưng hôm ấy, dường như tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến. Nó chỉ muốn ở bên cạnh, tỏ lòng thành kính trước linh cữu ông chủ. Yă Tao hiểu người chủ của ngôi nhà sàn kia, người đã đưa mình từ vùng đất xa xôi về đây giờ đã ra đi mãi mãi. Yă Tao quỳ xuống bên mộ, rống lên hai tiếng dài thống thiết giã từ. 
Bạn đời ra đi, ông chủ khuất núi, Yă Tao lầm lũi quay về núi trong sự cô đơn tột cùng. Ông Chăm qua đời, con rể ông là anh Siu Kiêm thay ông chăm sóc Yă Tao. Anh ở trong khu rẫy của gia đình cách nơi Yă Tao ở chừng 3 km. Hàng ngày, anh Kiêm đều đặn 3 lần vào núi dắt voi đi uống nước và di chuyển vị trí cột, đảm bảo cho voi có đủ thức ăn.
Xóa sổ đàn voi
Theo lời anh Kiêm, 9 giờ ngày 3-12, anh vào núi dắt voi đi uống nước. Khi đi lên, Yă Tao đột nhiên ngã quỵ, không đứng lên được. Hơn 10 năm chăm sóc Yă Tao, chưa bao giờ anh thấy voi đổ bệnh. Thuộc từng nhành cây, ngọn cỏ trong rừng, mỗi khi bị tiêu chảy, Yă Tao tự tìm lá thuốc nhai, chỉ 1-2 ngày sẽ bớt. Những ngày gần đây, Yă Tao không hề có dấu hiệu chán ăn hay mệt mỏi. Linh cảm chuyện chẳng lành, anh Kiêm vội gọi người nhà mang đồ ăn vào rừng. Nhưng dường như đã kiệt sức, Yă Tao không thể nhúc nhích và không ăn được miếng nào. Giữa bạt ngàn núi rừng, bên dòng sông Tul xanh trong, Yă Tao nằm đó, rệu rã, mệt mỏi. “Sau 4 giờ cố gắng, khi thành viên cuối cùng trong nhà là anh Rmah Net-con trai đầu của ông Chăm có mặt, Yă Tao mới an lòng nhắm mắt ra đi. Chúng tôi hiểu  nó muốn từ biệt tất cả thành viên trong gia đình”-anh Kiêm bùi ngùi nhớ lại.
Do cách trở bởi những con suối, mùa mưa nước dâng khá cao nên chúng tôi phải di chuyển bằng xe cọc cạch tới vị trí Yă Tao nằm. Con voi khỏe mạnh, lực lưỡng khi xưa từng giúp dân làng dựng bao ngôi nhà khang trang, kéo bao nhiêu cột điện thắp sáng đường quê nay nằm đó, im lìm, cô độc. Đã gần 30 năm nay, Yă Tao không được thấy bóng dáng của đồng loại. Dường như đây là lối thoát mà Yă Tao lựa chọn để về với Giàng, về với người bạn đời, người chủ của mình. 
Gia đình anh Siu Kiêm dùng tời đưa voi lên xe công nông chở voi về chôn cất trong rẫy của gia đình. Ảnh: Vũ Chi 
Bà Rmah H’Ri-em vợ ông Chăm-khóc nghẹn bên xác Yă Tao: “Hỡi Yă Tao ơi, Yă Tao à, sao mày nỡ bỏ làng mà đi. Từ nay mày phải nằm dưới đất lạnh lẽo một mình, tội mày quá, Yă Tao ơi…”. Theo phong tục địa phương, khi khóc phải quay lưng lại với người đã khuất để hương hồn người chết được siêu thoát. Vì vậy, bà H'Ri chỉ biết ôm lấy nhánh cây bên rừng gọi tên Yă Tao. Nước mắt tuôn dài, bà trải lòng: “Mỗi năm, vào dịp Tết, người nhà đều dắt Yă Tao về làng ăn Tết với mọi người. Yă Tao mừng lắm, lũ trẻ cũng mừng, chúng quấn quýt bên voi cả ngày không chán. Hôm nay, Yă Tao chết, lũ trẻ bận đi học, không đưa tiễn Yă Tao được, chúng buồn lắm. Vậy là từ nay, dân làng mãi mãi mất Yă Tao rồi”.
Theo dự định, ngày 4-12, gia đình sẽ chôn cất Yă Tao ngay bên dòng sông Tul, nơi voi nằm xuống. Nhưng một phần vì sợ nước dâng cao, có thể trôi mất xác voi, một phần vì sợ có người sau này đào trộm xương voi nên người nhà anh Siu Kiêm quyết định chở voi về chôn cất ngay bên rẫy của gia đình để tiện cho việc trông coi và cũng để Yă Tao đỡ hiu quạnh. Sau nhiều nỗ lực của dân làng, Yă Tao được đưa lên xe công nông chở về địa điểm chôn cất. Yă Tao được đặt nằm ngay ngắn như đang ngủ. Người thân trong gia đình xuống huyệt, từ biệt Yă Tao lần cuối trong sự tiếc thương. Anh Siu Kiêm lặng lẽ nhổ những sợi lông đuôi của Yă Tao gói cẩn thận trong bì li nông. Anh cho biết, muốn giữ lại một chút kỉ vật gì đó của Yă Tao để con cháu mai sau biết được truyền thống của gia đình. Mọi người cẩn thận phủ lên mình voi tấm bạt mới trước khi lấp đất đá đắp mộ. Đến 16 giờ, lễ an táng Yă Tao hoàn thành.
Yă Tao mất đi để lại niềm tiếc thương không chỉ các thành viên trong gia đình anh Kiêm mà còn với cả dân làng Chư Mố. Con  voi cuối cùng của vùng Bắc Tây Nguyên đã không còn. Từ nay, mảnh đất Chư Mố, dòng sông Tul êm đềm, núi rừng Ia Tul hùng vĩ sẽ không còn thấy bóng dáng Yă Tao; cả khu vực Bắc Tây Nguyên, loài voi oai hùng sẽ chỉ còn là huyền thoại.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm