Công an tỉnh Gia Lai: Mở đợt cao điểm kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm tăng cường các biện pháp công tác kiềm chế, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã ra quân bố trí lực lượng và phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến quốc lộ và địa bàn trọng điểm trên toàn tỉnh trong thời gian từ ngày 5-6-2011 đến nay theo Kế hoạch 623 của Công an tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra kiểm soát. Ảnh: Bích Nga
Thực hiện kế hoạch cao điểm này, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh, phối hợp với các lực lượng khác bám từng km đường, không quản ngày đêm, tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, kết quả kéo giảm 12,58% về số vụ, giảm 27,08% số người chết, giảm 20,83% số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra so với 3 tháng liền trước (chỉ xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông, chết 70 người, bị thương 38 người).
Tuy nhiên, bình quân 1 tháng xảy ra 21,6 vụ, 23,3 người chết, 12,6 người bị thương do tai nạn giao thông, so với cả năm 2010 là 19,4 vụ, 20,8 người chết, 18,3 người bị thương/tháng. Nhiều vụ tai nạn giao thông có từ 2 người chết trở lên, điển hình: Hồi 11 giờ 50 phút ngày 20-7, tại Km 103+200 quốc lộ 19, thuộc xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, xe mô tô BKS: 81N1-8878 do Liu (21 tuổi) ở làng Chà Rả, xã Hà Ra, huyện Mang Yang điều khiển chở sau Brin (24 tuổi), ở cùng làng, lưu thông hướng Bình Định-Gia Lai, tông vào xe ô tô BKS 77H-9312 do Trần Ngọc Quang (SN 1983) trú tại xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, điều khiển chạy ngược chiều. Hậu quả Liu, Brin chết tại chỗ, xe mô tô và ô tô hư hỏng nặng.
Mặc dù, bố trí lực lượng, phương tiện và tổ chức cơ động tuần tra, kiểm soát với mật độ dày, cường độ cao nhưng điều đáng chú ý là 97% các vụ tai nạn xảy ra do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, đây là vấn đề mấu chốt và là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, tập trung vào các lỗi như: Điều khiển phương tiện sai phần đường 30,7%, vi phạm tốc độ 30,7%, tránh vượt sai quy định 21,5%, không chú ý quan sát 13,8%...
Điển hình: Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 10-7, tại Km 580-550 quốc lộ 14 thuộc thôn Tao Klã, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Trần Mạnh Hưng (SN 1973) trú tại phường Diên Hồng-TP. Pleiku điều khiển xe ô tô BKS 81M-1717, chạy hướng Gia Lai-Đak Lak gây tai nạn với xe môtô BKS 81F1-9774 do Rmah Amlok (SN 1954) trú tại thôn Tao Klã, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh điều khiển, chở sau Kpă Long (SN 1961) trú cùng thôn. Hậu quả Rmah Amlok chết tại bệnh viện, Kpă Long bị thương nặng, nguyên nhân do Rmah Amlok điều khiển xe mô tô rẽ trái qua đường không có tín hiệu, Trần Mạnh Hưng điều khiển xe ô tô tránh, vượt sai quy định.
Ngoài ra, thời gian xảy ra tai nạn chủ yếu từ 17 giờ đến 22 giờ chiếm 67,6%, là thời gian sau giờ làm việc, diễn ra các hoạt động vui chơi, ăn uống, dẫn đến người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn.
Do đó, việc phòng ngừa tai nạn giao thông không ai khác ngoài những người tham gia giao thông nâng cao ý thức và văn hóa chấp hành pháp luật giao thông, đảm bảo các điều kiện an toàn khi tham gia giao thông; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục đề cao hơn nữa trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mặc khác, để từng bước xã hội hóa đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cần sớm hiện đại hóa trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm giao thông và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông từ nông thôn đến thành thị đảm bảo tương xứng với lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng như hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Hưng

Có thể bạn quan tâm