Thời sự - Bình luận

Công bằng thuế một chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ doanh nghiệp, Bộ Tài chính còn muốn thêm cá nhân, chủ hộ kinh doanh vào đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Bởi theo luật Quản lý thuế, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân. Nhưng việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) là không phù hợp với thực tiễn. Vì thế, tại dự thảo sửa luật Quản lý thuế, Bộ này đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện pháp luật của HTX, liên hiệp HTX, chủ hộ, cá nhân kinh doanh...

Đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý, cũng như quan điểm nợ quá hạn 1 đồng hay 1 triệu đồng cũng bị hoãn xuất cảnh nhằm cảnh báo, nâng tính tuân thủ pháp luật của người dân, đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách cũng hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Hơn nữa, số DN nợ thuế dưới 1 triệu đồng, theo Bộ này là quá lớn. Nên dù còn tranh cãi, dù nhiều đề xuất, kiến nghị nên quy định "ngưỡng" nợ bao nhiêu mới nên áp dụng biện pháp dừng xuất cảnh..., ngành thuế vẫn kiên định và các ông chủ DN nói chung đều phải chấp nhận. Ở thời điểm hiện tại, mỗi tháng có tới hơn 2.300 trường hợp bị tạm dừng xuất cảnh vì nợ thuế. Nếu đề xuất trên được thông qua, con số sẽ tăng cấp số nhân bởi chỉ tính hộ kinh doanh thôi, số lượng cũng gấp 5 - 6 lần số lượng DN, chưa kể cá nhân...

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu công bằng thuế được thực hiện ở cả 2 đầu, người đóng thuế và cơ quan quản lý thuế. Nhưng thực tế hiện nay, công bằng mới chỉ áp dụng một chiều, với người nộp thuế là DN. Còn cơ quan thuế hoàn chậm cả năm, vài năm lại không chịu bất cứ chế tài nào.

Mới nhất, tại Hội nghị đối thoại với người nộp thuế 5 tỉnh, thành phố phía nam, tổ chức cuối tháng 9, hàng loạt DN bức xúc vì bị "găm" tiền hoàn thuế đến điêu đứng vẫn không được giải quyết. Như trường hợp Công ty Fococev Việt Nam 6 năm không được hoàn số tiền thuế lên 529 tỉ đồng, dù đã hoàn thành đầy đủ giấy tờ thủ tục theo quy định; dù "lý lịch" hoạt động 50 năm hết sức nghiêm túc, là DN luồng xanh hải quan và được tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Quan trọng nữa là ngay chính cơ quan công an cũng trả lời chưa tìm ra dấu hiệu gì cho thấy DN này có liên quan đến vi phạm. Thế nhưng số tiền khổng lồ trên vẫn bị nhà thuế găm lại. Vậy thì công bằng thuế cho DN ở đâu trong trường hợp này?

Chẳng riêng gì trường hợp nói trên, suốt mấy năm qua, chuyện hoàn thuế luôn nóng rực. Kinh tế khó khăn, số tiền thuế bị găm chính là vốn, là nguồn lực để duy trì hoạt động của rất nhiều DN. Bị găm lại không hoàn tiền thuế cũng giống như bị rút máu, khô máu và DN có nguy cơ đối diện với phá sản. Thế nhưng bao hội nghị, gặp gỡ, chỉ đạo quyết liệt tới lui thì đến hội nghị vừa rồi, chuyện hoàn thuế vẫn nóng rực các bức xúc từ phía DN.

Nóng rồi lại tự nguội thôi. Cũng như những trường hợp bị găm thuế theo năm nói trên đã nóng ở biết bao cuộc gặp trước đó. Bởi cơ quan thuế là người cầm cán. Họ quyết liệt bêu tên, dừng nhập cảnh hàng vạn ông chủ DN với lý do "đảm bảo các khoản thu ngân sách, tránh thất thu...", nhưng chậm hoàn thuế sai quy định pháp luật cũng cùng lý do này mà không thấy ai bị phạt, bị chế tài. Lãnh đạo ngành thuế từng "mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng DN đối với những thách thức cơ quan thuế đang phải đối mặt trước thực trạng gian lận về hóa đơn, về hoàn thuế". Vậy ai thông cảm với DN khi bị vạ lây, bị găm hàng trăm tỉ đồng tiền thuế?

Thế nên, sẽ chỉ có công bằng thuế nếu được thực hiện sòng phẳng ở cả 2 chiều, người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Như vậy, người dân, DN mới tâm phục, khẩu phục ngay cả khi bị dừng xuất cảnh vì nợ 1 đồng tiền thuế.

Chứ hiện nay công bằng thuế mới chỉ ở một chiều...

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm