Thời sự - Bình luận

Công bằng từ phương thức xét tuyển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 dần kết thúc khi các trường chuẩn bị công bố điểm chuẩn, dự kiến trễ nhất ngày 19.8. Thí sinh đã trải qua một hành trình dài 'cân não', đôi khi hết sức căng thẳng không phải vì chuyện học tập, thi cử mà để "giải mã" về các… phương thức xét tuyển.

Rất khác với việc tuyển sinh trước đây, ngày nay thí sinh có rất nhiều con đường (phương thức) để vào đại học (ĐH). Sẽ không là vấn đề gì nếu mọi thứ đơn giản, dễ hiểu. Đằng này, trong khoảng 20 phương thức xét tuyển ở các trường ĐH những năm gần đây, có những phương thức hết sức rối rắm, khó hiểu từ cách xác định đối tượng, điểm số và đặc biệt là công thức tính điểm. Nhiều người làm trong ngành giáo dục đọc còn khó hiểu huống gì là thí sinh, phụ huynh mà cả đời có khi chỉ một lần tham gia tuyển sinh ĐH. Chính vì vậy mới có tình trạng một người con tham gia xét tuyển ĐH mà cả gia đình phải "vật lộn'' nghiên cứu các phương thức tuyển sinh để rồi mỗi người hiểu một cách khác nhau.

Vào ĐH hiện nay không khó vì có nhiều con đường. Tuy nhiên, với quá nhiều phương thức; có phương thức quá phức tạp, rối rắm khiến thí sinh lúng túng, bối rối dẫn đến lẫn lộn, lựa chọn nhầm và… rớt oan. Chưa kể, theo các chuyên gia tuyển sinh, còn có sự không công bằng giữa các phương thức.

Nhìn thấy thực trạng này, khi tổng kết kỳ tuyển sinh năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, nhận xét một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển khiến không ít thí sinh chọn nhầm. Đồng thời lưu ý các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không hiệu quả, có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức… Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GD-ĐT một lần nữa khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội.

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, trong năm 2023, phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 49,45% thí sinh đăng ký xét tuyển, kết quả học tập THPT (học bạ) là 30,24%, đánh giá năng lực - tư duy là 2,57%, các phương thức còn lại đạt 17,74%. Như vậy rõ ràng có nhiều phương thức, tỷ lệ xét tuyển rất thấp, không hiệu quả.

Nếu đặt mình vào quyền lợi của thí sinh, các trường sẽ biết nên đơn giản hóa những điều không cần thiết. Để vào được một trường, ngành như mong muốn không hề đơn giản. Đó là một quá trình học tập, rèn luyện lâu dài đòi hỏi nhiều công sức. Đó còn là hành trình tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn môi trường học tập phù hợp; là tiếp cận và làm quen với những điều chỉnh, thay đổi trong thi cử…

Chính vì vậy, thật sự không cần thiết khiến thí sinh phải mất thêm thời gian, công sức để hiểu các phương thức xét tuyển quá phức tạp.

Kỳ tuyển sinh năm 2025 sắp tới sẽ có rất nhiều thay đổi vì là năm đầu tiên lứa học sinh của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp theo cách mới. Đề án tuyển sinh của các trường ĐH ra sao với chương trình mới cũng là điều rất nhiều học sinh lớp 12, giáo viên, phụ huynh quan tâm.

Với nhiều tổ hợp môn tự chọn, với những thay đổi trong chương trình, thí sinh năm nay chắc chắn sẽ đối diện với nhiều lúng túng, bỡ ngỡ. Trong hoàn cảnh này, xây dựng phương thức xét tuyển đơn giản, dễ hiểu cũng là một cách tạo cơ hội và công bằng cho thí sinh trong tuyển sinh.

Theo Nhiên An(TNO)

Có thể bạn quan tâm