Thời sự - Bình luận

Công chứng hướng đến công bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuẩn bị cho hội thảo toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng dự kiến diễn ra ngày mai (14-1), Bộ Tư pháp cho biết, bên cạnh nhiều thành quả, các quy định pháp luật liên quan đến công chứng cũng như quá trình triển khai trên thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế đáng kể. Trong đó, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng.

Một ví dụ cụ thể là theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì các giao dịch có tính chuyển dịch quyền sử dụng đất và chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở thuộc nhóm giao dịch bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý và quyền lợi cho người dân.

Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì việc công chứng được thực hiện theo yêu cầu của các bên, nghĩa là không bắt buộc.

Đối với nhà ở, Luật Nhà ở quy định các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, mà theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì chỉ bắt buộc công chứng đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân mà việc kinh doanh có quy mô nhỏ, không thường xuyên. Như vậy, nếu mua bán nhà từ chủ đầu tư hoặc các công ty kinh doanh bất động sản sang người dân thì không bắt buộc phải công chứng.

Đúng là trên thực tế, tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà thời gian qua xảy ra rất nhiều và thiệt hại lớn cho người dân. Nhiều chủ đầu tư bán nhà hoặc huy động vốn khi chưa đủ các điều kiện để bán theo quy định của pháp luật, thậm chí một tòa nhà được thế chấp nhiều lần vẫn có thể được bán cho hàng trăm người dân mà không có cơ chế để kiểm soát hữu hiệu, vì Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc công chứng trong trường hợp một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.

Điển hình là tại TPHCM, 375 căn hộ thuộc dự án Alto của Công ty Vĩnh Phú, 204 căn hộ thuộc chung cư cao tầng Thảo Điền do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC làm chủ đầu tư… đều đã thế chấp quyền sử dụng đất nhưng vẫn bán và cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người mua nhà.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng chưa thực sự toàn diện, chưa có tính liên thông. Một thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, người dân, doanh nghiệp phải đi tới 4 cơ quan, tổ chức, gồm tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thuế, kho bạc nhà nước, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn mức độ, một số việc còn chậm. Chưa thực hiện việc ban hành quy tắc hành nghề công chứng, chưa thành lập được quỹ bồi thường thiệt hại để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên là công chứng viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường…

Công chứng vốn là một công cụ quan trọng để vận hành nhà nước pháp quyền. Việc rà soát để mài giũa cho công cụ này trở nên sắc bén hơn nhằm đảm bảo sự công bằng cần thiết cho các giao dịch trong xã hội cần đến rất nhiều nỗ lực, cả trước mắt lẫn lâu dài và không chỉ liên quan đến ngành tư pháp.

Cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình... tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, cơ sở áp dụng thống nhất trong hoạt động công chứng.

Đồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm