Công tác dự báo, nhận định khí tượng thủy văn phục vụ hiệu quả phòng-chống thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 31-3, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác dự báo phục vụ phòng-chống thiên tai năm 2021 và nhận định tình hình khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên năm 2022. 
Tham dự hội nghị có đại diện Đài Khí tượng Thủy văn 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.
Thông kế cho thấy, năm 2021, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 12 đợt nắng nóng có phạm vi nhỏ xảy ra ở khu vực trũng thấp như: các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, Nam tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực. Mùa mưa năm 2021 xuất hiện sớm (tháng 4) và kết thúc muộn (tháng 11), lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm; xuất hiện 9 trận lũ trên diện rộng và một số trận lũ xảy ra cục bộ trên sông nhỏ. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất tại nhiều nơi, làm ách tắc giao thông, sập nhà cửa, các công trình… gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho khu vực Tây Nguyên.
Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác dự báo phục vụ phòng-chống thiên tai năm 2021 và nhận định tình hình khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên năm 2022. Ảnh: Lê Hòa
Trong bối cảnh đó, Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên đã thực hiện tốt công tác dự báo, kịp thời ra các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; qua đó tham mưu tích cực cho Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh để có kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác phòng-chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra… Đồng thời, các bản tin thông báo, cảnh báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ liên hồ chứa trên sông Sê San, sông Ba, sông Sê-rê-pôk cũng được thực hiện kịp thời, sát thực tế. Việc dự báo lưu lượng nước về hồ đã giúp các công ty thủy điện trên địa bàn chủ động vận hành, điều tiết nguồn nước đảm bảo an toàn cho công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du và phát điện hiệu quả…
Hội nghị cũng đã đưa ra những nhận định tình hình thời tiết, thủy văn mùa mưa lũ năm 2022. Đồng thời, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh Tây Nguyên đã trao đổi, thảo luận về hoạt động chuyên môn trong công tác dự báo khí tượng thủy văn. Đồng thời, đưa ra những khó khăn, tồn tại trong công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do thiếu các thông tin số liệu nền về đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất. 
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Hưng-Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên-đề cập: Trong năm 2022, Đài Khí tượng Thủy văn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp hơn nữa của các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, hy vọng các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và Trung ương đứng chân trên địa bàn hỗ trợ Đài đưa thông tin kịp thời về công tác khí tượng, thủy văn để người dân các tỉnh Tây Nguyên sớm nắm bắt được tình hình thời tiết và có giải pháp ứng phó phù hợp…
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm