Công tác xóa đói giảm nghèo: Những kết quả đáng ghi nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày đầu sau giải phóng, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Gia Lai, tình trạng đói nghèo vẫn còn cao, trình độ dân trí thấp.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), năm 1999, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 09 về đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, tiếp đó Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2020.

Chương trình hành động của UBND tỉnh đã đề ra lộ trình mỗi năm phải giảm từ 3,5 đến 4% hộ nghèo, đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm dưới 14%. Với quyết tâm chính trị nêu trên, 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa nghị quyết và kế hoạch hóa một số chính sách dự án được Trung ương quan tâm từ cấp xã đến cấp tỉnh theo một cơ chế linh hoạt, mềm dẻo và cộng đồng cùng tham gia thực hiện đã tạo được nhiều mô hình giảm nghèo tốt, xuất hiện những cách làm hay, từ đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống của những hộ nghèo.  

Vào mùa thu hoạch tiêu. Ảnh: Đức Thụy

Từ năm 2001 đến nay, Đảng và Nhà nước đã đầu tư vào vùng sâu hơn chục ngàn tỉ đồng, cụ thể qua các Chương trình 134, 135, 168 và các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo khác... Chủ yếu vốn đầu tư để xây dựng cơ sở điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, các công trình nước sinh hoạt nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư phát triển ngành nghề, đào tạo cán bộ xã nghèo, định canh định cư, khám- chữa bệnh cho người nghèo...

Đến cuối năm 2009, tất cả các xã đồng bào DTTS sinh sống đều có các công trình hạ tầng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 132 và 134 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết đất sản xuất và đất ở cho 15.330 hộ với hơn 5.330 ha, hỗ trợ 19.480 hộ làm nhà, xây dựng 4.296 công trình nước sinh hoạt cho 25.858 hộ. 

Thực hiện Chương trình 135, đến nay đã có 18 trung tâm cụm xã được đầu tư tạo ra nền tảng ban đầu cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định dân cư ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế và bệnh viện khu vực, 95% số làng và hơn 90 số hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt, 80% dân cư nông thôn và 100% dân cư đô thị được dùng nước sạch. Hầu hết học sinh trong độ tuổi là con em đồng bào DTTS đã đến trường, người thuộc diện nghèo, bà con DTTS được cấp phát thẻ khám- chữa bệnh miễn phí, phủ sóng phát thanh- truyền hình, báo chí đã về đến tận thôn làng, gần 98% xã đã dùng điện thoại. Bên cạnh đó, các chính sách về trợ cước, trợ giá, cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu theo Quyết định 168 của Chính phủ cũng đã giúp cho người nghèo bớt những khó khăn góp phần vào việc phát triển sản xuất và từng bước ổn định đời sống.

Ngoài ra, các chương trình dự án XĐGN được lồng ghép tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo. Công tác định canh định cư gắn với tổ chức sản xuất tính từ năm 2007 đến 2009 đã giúp ổn định cho 87.146 hộ, đạt 86% số hộ, cơ bản xử lý ổn định tình hình di cư tự do trên địa bàn. Nhờ đầu tư một cách căn cơ nên đến năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 14,2%. Đây là kết quả đáng khích lệ của công tác chỉ đạo và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành và khẳng định chương trình giảm nghèo của tỉnh về đích sớm hơn một năm so với nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và rút ngắn thời gian so với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh ta vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh (khóa IX), HĐND tỉnh đã thông qua một số chỉ tiêu trong công tác XĐGN năm 2010 là: Giải quyết việc làm mới cho 22.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,82%. Nhằm đạt chỉ tiêu trên, ngay từ đầu năm 2010, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành đối với người nghèo, đồng bào DTTS như y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi...

Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho người nghèo, hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo và vốn vay ưu đãi. Quan tâm giáo dục, nâng cao dân trí đối với người nghèo. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội... Và điều quan trọng nữa là tuyên truyền để người nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm