Thông tin Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó kiến nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia phân phối mặt hàng này, đang gây chú ý.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất (trong dự thảo nghị định được sửa đổi): Ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.
Đây chính là mở cửa thị trường - không chỉ nằm trong tư duy nữa mà muốn sớm biến tư duy đó thành thực tế.
13 năm trước, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu, lý do là để bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối trong nước mạnh lên. Nhưng khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới ở hầu hết các lĩnh vực, cùng với đó xu thế tự do hóa thương mại tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, chúng ta cần phải mở cửa thêm nhiều lĩnh vực quan trọng. Thực tế thì các DN xăng dầu trong nước chiếm thị phần lớn hiện nay cũng đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại với tỉ lệ đáng kể rồi.
Từ năm 2017, thương hiệu xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Q8 đã được quyền tham gia thị trường bán lẻ ở nước ta, dù với thị phần khiêm tốn; một vài thương hiệu khác cũng đánh tiếng và tiến hành các bước khảo sát song còn dè dặt, cũng có nguyên nhân là vì quy định ngặt nghèo.
Do vậy, việc sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP theo hướng nói trên có thể là cú hích lớn để làm cho xăng dầu trong nước có tính thị trường hơn, nhờ đó các DN nội địa có sức ép để tái cấu trúc nhằm mạnh thêm, đặc biệt là người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng loại nhiên liệu thiết yếu này với giá cạnh tranh. Vấn đề còn lại chỉ là bài toán quản lý và điều hành giá của các cơ quan nhà nước.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới sau thời gian dài bế quan các ngành nghề liên quan đến an ninh năng lượng, quốc kế dân sinh hiện cũng đã mở toang cửa chào đón nhà đầu tư ngoại quốc, trong đó phải kể đến Mexico hay Iran... Không chỉ ở mảng phân phối, mảng đầu tư và khai thác cũng cho phép DN nước ngoài tham gia sâu. Hiệu quả từ thực tiễn đã quyết định đến mức độ mở cửa thị trường của họ. Tất nhiên, mỗi nước có đặc thù riêng nhưng xu thế chung của toàn cầu là tự do hóa thương mại thì không thể đảo ngược. Với một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn xăng dầu nhập khẩu như Việt Nam và vẫn chưa xây dựng được ngành lọc hóa dầu đủ sức tự chủ thì chúng ta phải làm từng bước, trong đó mời khối ngoại vào tham gia kinh doanh là động thái được trông đợi, rồi sẽ tiến đến các mảng khác, như nhập khẩu chẳng hạn.
Về phía quản lý nhà nước, các bộ - ngành có cơ sở để khẳng định sẽ nắm chắc vai trò điều tiết khi mở cửa cho khối ngoại, trước hết là hạn định không quá 35% cổ phần. Nhưng điều được kỳ vọng hơn cả là phải mở cửa thực chất và qua đó có một thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa cả về giá bán lẫn chất lượng, chứ không phải "mở mà đóng" do sợ mất quyền điều hành.
Theo A.Q (NLĐO)