Bị phát hiện có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, cuối tháng 6, theo văn bản yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ TT-TT, Netflix đã buộc gỡ bỏ bộ phim truyền hình Pine Gap dài 6 tập.
Dù yêu cầu gỡ bỏ được thực hiện nghiêm, song việc không phải là lần đầu tiên Netflix cung cấp dịch vụ có sản phẩm chứa nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, khiến dư luận hết sức bất bình.
Hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện ở phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 bộ phim Pine Gap trên Netflix. Trong 12 tháng, đây là lần thứ 3 liên tiếp, công ty này bị phát hiện vi phạm lỗi tương tự.
Vào tháng 7-2020, bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder và vào tháng 8-2020, bộ phim Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary cũng có hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông.
Cho đến nay, chỉ khi những sai phạm của Netflix bị người xem phát hiện và phản ứng, cơ quan chức năng mới biết để xử lý. Việc hậu kiểm nội dung đối với Netflix và một số dịch vụ xem phim trực tuyến chỉ là bước đi sau của cơ quan chức năng khi “sự đã rồi”. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các nội dung sai phạm về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nội dung có liên quan đến yếu tố chính trị, lịch sử...
Trước đây, các bộ phim thường chỉ được khai thác trên Internet sau khi đã được phát hành tại các rạp chiếu. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ hôm nay, phát hành phim trên nền tảng số đang là xu thế chung của thế giới. Dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, việc phát hành phim trên Internet thậm chí còn chiếm một tỷ lệ lớn, mang về doanh thu khủng cho các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh.
Phát triển bùng nổ với doanh thu cao hơn doanh thu phòng chiếu, phát hành phim trên mạng đang là một xu thế nổi bật của ngành điện ảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Song, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, đối với Việt Nam đúng là khoảng trống. Luật Điện ảnh và các luật liên quan dẫn chiếu đều không có quy định.
Câu chuyện về việc xây dựng hành lang pháp lý để đặt các nền tảng trực tuyến nước ngoài vào khuôn khổ luật pháp Việt Nam đã được đưa ra trong nhiều dự thảo, hội thảo. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung Điều 19 về phổ biến phim trên không gian mạng.
Trong đó có đưa ra một số phương án như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam; phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam phải được cấp phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình…
Cùng lúc, Bộ TT-TT cho biết cũng đang phải sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua nền tảng xuyên biên giới… Các chuyên gia, những người làm luật cũng đưa ra nhiều ý kiến về tiền kiểm, hậu kiểm… đối với loại hình phim được phát hành theo phương thức này.
Cũng cần nói thêm, việc gỡ series phim Pine Gap chỉ mới thực hiện trên nền tảng Netflix tại Việt Nam và vẫn có mặt trên nền tảng của công ty này tại các nơi khác trên toàn cầu. Trong lúc mọi việc vẫn đang được bàn bạc, cân nhắc, tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện (chưa biết bao giờ mới xong), thì phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam chỉ mới được xử lý bằng văn bản cảnh báo nghiêm khắc, buộc phải gỡ bỏ.
Trong lúc tiếp tục chờ luật, cần nhanh chóng lấp những lỗ hổng pháp lý, có những chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc để việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới không lâm vào tình cảnh “sự đã rồi” như thời gian qua.
Theo MAI AN (SGGPO)