Cùng công nhân vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được thành lập vào dịp kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1976, 40 năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông phát triển không ngừng. Không chỉ là đơn vị có tiềm lực về kinh tế mà còn góp phần không nhỏ gầy dựng nên một vùng đất trù phú cho vùng biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Vài năm trở lại đây, giá mủ cao su liên tục xuống thấp khiến cho nhiều công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động và Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông cũng không ngoại lệ. Theo đó, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Nếu những năm trước, mức lương bình quân của công nhân từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng thì nay thu nhập chỉ còn 3,8 triệu đồng/người/tháng. Mới đầu, nhiều công nhân cũng hoang mang, dao động nhưng nhờ sự lãnh đạo, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã thực hiện nhiều giải pháp để vừa hoàn thành kế hoạch được giao vừa đảm bảo đời sống công nhân.

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Trao đổi với P.V, ông Lương Văn Quý-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, cho biết: Những năm đầu khi biết giá mủ xuống thấp, chúng tôi thường xuyên tổ chức xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phối hợp với ban lãnh đạo tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua để người lao động hiểu và chia sẻ khó khăn cùng đơn vị. Nhờ đó, người lao động đã hiểu và yên tâm gắn bó với đơn vị.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện có trên 3.600 công nhân, trong đó có trên 50% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, trong khi người lao động ở các doanh nghiệp cao su khác phải bỏ việc vì thu nhập xuống thấp, tiền lương không đảm bảo thì tại Công ty số lao động bỏ việc, nhất là lao động dân tộc thiểu số không đáng kể, ngoại trừ một số trường hợp nghỉ việc do mất sức lao động hoặc nghỉ theo chế độ. “Riêng về công nhân dân tộc thiểu số yên tâm gắn bó với vườn cây. Công ty thực hiện giao khoán vườn cây với định mức chỉ bằng 80% công nhân người Kinh, tiền lương vẫn được hưởng 100%. Bên cạnh đó, Công ty luôn quan tâm đến đời sống người lao động, hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa, xóa nhà tranh tre. Đến nay, hầu hết công nhân dân tộc thiểu số có nhà ở ổn định. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, Công ty còn hỗ trợ về tài chính để công nhân có thêm điều kiện ổn định cuộc sống…”-ông Phan Sỹ Bình cho biết thêm.

Theo dự báo, năm 2016, giá mủ cao su vẫn thấp, khó khởi sắc. Để đảm bảo đời sống công nhân và duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh của đơn vị, Công ty đã nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng sản phẩm mủ cao su và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo hướng xuất khẩu trực tiếp và ký hợp đồng dài hạn với khách hàng nước ngoài, đồng thời thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng hiệu quả nhất, kể cả nguồn vốn đầu tư và lực lượng lao động. Đặc biệt là Công ty chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm mủ theo tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới. Nhờ thế, trong khi nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm kiếm thị trường bán mủ cao su thì Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được đánh giá là đơn vị có được lượng khách hàng truyền thống và ổn định nhất. Đây cũng là đơn vị có tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp cao, chiếm trên 40% tổng sản phẩm tiêu thụ, trong đó tập trung vào các tập đoàn lớn của Mỹ.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm