Cung đường mang tên ngày giải phóng tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ký ức của những người lần đầu tiên đặt chân đến định cư trên con đường mang tên ngày giải phóng tỉnh 17-3 (TP. Pleiku) thì cảnh sắc bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nhà cửa đã san sát, các thế hệ con cháu lần lượt ra đời, khôn lớn và thành đạt. Cuộc sống trên cung đường dẫn ra cửa ngõ sân bay của thành phố ngày càng khởi sắc.

Đường 17-3 vừa được nâng cấp, mở rộng thông thoáng, đẹp mắt. Ảnh: P.V

“Đường ra sân bay” là cái tên mà trước đây người ta thường dùng để gọi đường 17-3 bây giờ. Khó có thể nhận ra con đường đầy dã quỳ và cỏ gai ngày nào. “Những năm đầu khi tôi mới vào, dọc con đường này chỉ có hơn chục hộ gia đình sinh sống, cảnh vật xung quanh lúc bấy giờ rất hoang sơ. Cuộc sống lúc ấy rất khó khăn. Chỉ sau này, khi chế độ bao cấp được gỡ bỏ, kinh tế của các gia đình mới bắt đầu khá dần lên. Dần dần, các gia đình dọn về sống trên con đường này ngày càng đông đúc hơn”-bà Dương Thị Nhung (50 tuổi, ngụ số 49 đường 17-3, TP. Pleiku) kể lại.

Trong ký ức của ông Mai Như Ý (57 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Thống Nhất, TP. Pleiku), đường 17-3 còn được mọi người gọi là “con đường bộ đội”, bởi phần lớn những hộ gia đình đang sinh sống dọc đường này đều là cán bộ, quân nhân hiện đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu tại các đơn vị quân đội. Ông Ý cho hay: “Năm 1987, sau khi chiến đấu ở biên giới phía Bắc, chúng tôi có khoảng hơn chục người từ Quân đoàn 3 chuyển vào đây công tác. Đất mến người, dần dần anh em, đồng đội lập gia đình hoặc chuyển gia đình từ ngoài quê vào đây lập nghiệp, rồi bám trụ và phát triển cho đến bây giờ”.

Hiện tại, có hơn 150 hộ dân đang sinh sống dọc theo đường 17-3, phần lớn các hộ gia đình đều là cán bộ hưu trí hoặc công nhân viên chức, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, một vài gia đình hướng đến phát triển kinh tế bằng trồng cây công nghiệp như tiêu, cà phê với mức thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Đào Quang Vinh (SN 1957, Bí thư chi bộ tổ dân phố 9, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “So với ngày trước, đời sống của nhân dân trên tuyến đường 17-3 bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Có khoảng 30% hộ giàu, 55% hộ khá, 15% hộ trung bình, không có hộ nghèo và cận nghèo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Phần lớn đều là bộ đội nên ngoài tình làng nghĩa xóm, mọi người còn gắn kết với nhau bằng tình đồng chí. Hầu như gia đình nào cũng có con cái vào đại học, tổ dân phố chúng tôi đã duy trì 11 năm liền đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa.

Dọc theo hai bên đường 17-3 bây giờ là nhà nối nhà san sát, hàng quán cũng đua nhau mọc lên. Con đường 17-3 này vừa được thành phố đầu tư mở rộng trông thông thoáng và đẹp mắt. Điều ấy không khỏi khiến những người dân sống trên con đường này phấn khởi. Ông Ý bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự khi gia đình mình định cư trên con đường mang tên một mốc son lịch sử của tỉnh. Không chỉ vậy, tôi cảm thấy vui và tự hào vì mình đang sinh sống trên con đường dẫn ra sân bay, một cửa ngõ quan trọng của thành phố”.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm