Cùng hành động vì nguồn nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước luôn có mặt trong hầu hết các hoạt động sống của con người và vạn vật, nó chiếm tới 99% trọng lượng cơ thể của các sinh vật sống trong nước; đối với con người nước chiếm 44% trọng lượng cơ thể. Nước còn tham gia vào các chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, điều hòa khí hậu, mang năng lượng có thể khai thác phục vụ con người.

Chủ đề của “Ngày Nước thế giới” năm 2010 là “Clean water for a healthy world- Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”. Trong những năm gần đây, nước sạch đã ngày càng trở nên khan hiếm hơn ở nhiều khu vực. Một phần vì nhu cầu nước sạch không ngừng gia tăng; phần khác do các nguồn nước đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động kinh tế của con người. 

Nước sạch về nông thôn. Ảnh: Đ.T
Nước sạch về nông thôn. Ảnh: Đ.T

Tài nguyên nước được xem là một lợi thế của khu vực Tây Nguyên và hiện đang được khai thác mạnh mẽ nhằm phục vụ ngày càng hiệu quả hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nhu cầu nước trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất nông, lâm, công nghiệp, khai khoáng đến khai thác thủy năng, phát triển du lịch đều tăng rất nhanh.

Rõ ràng nước là một tài nguyên rất quý giá và còn khá phong phú nhưng không phải là vô tận. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước là trách nhiệm chung của toàn thể các cơ quan, ban ngành, chính quyền và nhân dân Tây Nguyên. Trước hết cần tiếp tục cải tiến các phương pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tổ chức điều tra, khảo sát, tính toán hiện trạng nguồn nước. Đánh giá nhu cầu nước hiện tại và dự báo nhu cầu dùng nước trong tương lai. Ứng dụng khoa học công nghệ để phục hồi, sửa chữa, nâng cấp những hệ sinh thái nước, chống thoái hóa, xuống cấp nguồn nước.

Đồng thời, thường xuyên đo đạc kiểm tra chất lượng nước trên các sông suối, các hồ chứa và có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của nó tới sự biến động của tài nguyên nước mặt và nước ngầm đến môi trường, qua đó đánh giá xác thực mức độ tác động, nguy cơ nhiễm bẩn môi trường nước trên từng lưu vực sông, từng vùng, các ảnh hưởng tới vệ sinh, sức khỏe con người, năng suất cây trồng cũng như các hoạt động kinh tế khác. Tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Có các biện pháp chấm dứt tình trạng đào bới khai thác sa khoáng bừa bãi. Tìm các nguồn đầu tư về kinh phí và nhân lực để truy tìm, khống chế và xử lý các thùng chất độc hóa học của Mỹ ngụy còn sót lại.

Với những đối tượng dùng nước, cần có các biện pháp, chế tài và các hình thức thực hiện hỗ trợ tối ưu áp dụng cho từng đối tượng để hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Các nhà khoa học, chính quyền các địa phương và các phương tiện thông tin cần có sự phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân.

Khuyến khích, hỗ trợ giúp các hộ gia đình, khu, cụm dân cư  xây dựng hệ thống thu gom, tách, xử lý nước thải trong sinh hoạt và chăn nuôi; phân loại, chôn lấp rác thải, không xả nước và rác thải trực tiếp vào nguồn nước; chế biến chất thải thành các sản phẩm vi sinh... Trong sản xuất, cần khuyến khích, hướng dẫn nhân dân chọn các giống cây trồng có tính kháng bệnh cao; bảo vệ mùa màng bằng biện pháp sinh học; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp chăm bón theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Trong khai thác, cần thực thi nghiêm túc quy trình cấp phép khoan khai thác nước ngầm, bảo vệ giếng khoan, ngăn chặn tình trạng khai thác tự phát. Quy hoạch xây dựng hệ thống khai thác nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt theo hướng công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh khi đến tay người sử dụng.

Đối với công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành sản xuất công nghiệp, chế biến cần thực thi nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường bằng việc kiểm soát chặt chẽ quá trình quy hoạch phát triển đô thị, các khu công nghiệp, các nhà máy để kịp thời phát hiện tác nhân và nguy cơ gây ô nhiễm. Đánh giá khả năng phát tán và có biện pháp hữu hiệu để từng bước cải thiện môi trường nhất là vấn đề cấp thoát nước, vấn đề xử lý các chất thải. Yêu cầu các nhà máy phải xử lý nước, rác thải trước khi thải ra môi trường. Điều chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, chăn nuôi có khả năng gây ô nhiễm ra nơi ngoại thành, xa khu dân cư và xa nơi đầu nguồn nước. Tăng cường đầu tư trang bị sử dụng công nghệ sản xuất sạch, dùng nước khép kín, giảm lượng khí thải. Tăng cường kiểm tra chất lượng nước, khí thải trước khi thải ra môi trường.

Nguyễn Văn Huy



Có thể bạn quan tâm