(GLO)- L.T.S: Từ tháng 9-2013 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” trên địa bàn tỉnh. Trước lễ tổng kết cuộc thi này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thái Thanh Bình-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó ban Chỉ đạo Cuộc thi về một số vấn đề liên quan.
- P.V: Đồng chí có thể cho biết tổng thể kết quả tổ chức cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên”?
Đồng chí Thái Thanh Bình: Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 6-9-2013. Trong đó phần thi trắc nghiệm được triển khai trên trang tin Thông tin Tuyên giáo Gia Lai, với 3 đợt thi của 7 kỳ trắc nghiệm (mỗi kỳ một tháng) theo ba chủ đề riêng cho từng đợt. Trong đó, đợt I có chủ đề “Tây Nguyên hướng về Điện Biên”, đợt II có chủ đề “Bắc Tây Nguyên chia lửa với Điện Biên”, đợt III có chủ đề “Từ Tây Nguyên đến Điện Biên”. Tính đến hết kỳ thứ bảy (tháng 3-2014), cuộc thi trắc nghiệm “60 năm-Âm vang Điện Biên” đã kết thúc. Cuộc thi đã thu hút hơn 80 ngàn lượt người tham gia. Ban tổ chức đã trao 7 giải nhất, 7 giải nhì, 14 giải ba, 35 giải khuyến khích cho các cá nhân đạt giải.
Đối với phần thi viết, được triển khai cùng với thi trắc nghiệm ngay sau lễ phát động. Câu hỏi thi viết được đăng trên trang tin Thông tin Tuyên giáo Gia Lai và Báo Gia Lai trong các số tháng 9-2013 và trong chương trình Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Nội dung câu hỏi tập trung tìm hiểu âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, diễn biến qua các đợt của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết quả và ý nghĩa lịch sử của thắng lợi mang tầm vóc thế giới, gây “chấn động địa cầu”, sự phối hợp của chiến trường Bắc Tây Nguyên-Gia Lai. Ngoài ra còn có phần cảm nghĩ của cá nhân về việc phát huy truyền thống lịch sử của cha ông và liên hệ trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sau 7 tháng triển khai, đến thời điểm kết thúc nhận bài thi viết (ngày 10-3-2014), Ban tổ chức đã nhận được 10.782 bài của các đơn vị và cá nhân trong tỉnh gửi về. Trên cơ sở số bài dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 20 bài để đưa vào chấm chung khảo. Đây là những bài có sự đầu tư chiều sâu về nội dung, sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu phong phú, hình thức trình bày đẹp, phong phú về hình ảnh tư liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ, Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phần cảm nghĩ đã nêu được những suy nghĩ, trách nhiệm của bản thân đối với địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay...
Với tinh thần trách nhiệm cao, Ban giám khảo đã thống nhất đề nghị Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 7 giải khuyến khích cho những cá nhân có bài dự thi đạt chất lượng tốt nhất và 3 giải cho những tập thể có thành tích trong công tác chỉ đạo và có số lượng tham gia dự thi đông, đạt được các giải trong các kỳ thi trắc nghiệm, trong đó có 1 giải tập thể xuất sắc nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 1 giải sáng tạo về hình thức tham gia cuộc thi cho tập thể trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
- P.V: Vậy công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong thời gian qua có tác động như thế nào đến sự thành công của cuộc thi?
Ảnh: Thanh Nhật |
Đồng chí Thái Thanh Bình: Sau 7 tháng tổ chức triển khai, đến nay cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” với hai hình thức trắc nghiệm và thi viết trong toàn tỉnh đã kết thúc. Trước hết là công tác tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 3 tỉnh Gia Lai, Điện Biên và Quảng Nam theo đúng kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2013-2014, tiến đến kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-cơ quan chủ trì, tổ chức cuộc thi tích cực trong công tác tham mưu, phối hợp với các tỉnh Quảng Nam, Điện Biên xây dựng kế hoạch triển khai, hệ thống phần mềm trên trang tin Thông tin Tuyên giáo Gia Lai và các nội dung để triển khai cuộc thi như hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm và thi viết; tổ chức lễ phát động, giao lưu giữa các cựu chiến sĩ Điện Biên với đại diện đoàn viên, thanh-thiếu niên, thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh, các cá nhân đạt giải…
Để có được thành công cuộc thi phải kể đến vai trò của cấp ủy các địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của cuộc thi và công tác giáo dục lịch sử truyền thống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nên đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền triển khai cuộc thi ở địa phương, cơ quan, đơn vị, các chi bộ cơ sở, địa bàn dân cư...
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị là thành viên trong Ban chỉ đạo cuộc thi đã tích cực trong việc phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, góp phần vào thành công của cuộc thi. Trong đó, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tích cực đưa tin, các bài viết, hình ảnh, phóng sự trên sóng phát thanh-truyền hình, trên trang báo viết, báo điện tử, tập trung vào những nội dung về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và sự thành công tốt đẹp cho cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” trong toàn tỉnh.
- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Nhật (thực hiện)