Đường tuần tra biên giới tại huyện Ia H’Drai (Kon Tum) bị sạt lở nặng. Ảnh: Đình Văn |
Ứng phó với lũ lạ lần đầu tiên xuất hiện trên núi, xã Ia Đal và huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum rất chủ động, điều lực lượng bơi ra dòng nước cứu người, dời dân, dựng nhà mới nhanh đến thần kỳ!
Trong hoạn nạn, tình dân quân phát huy cao độ. Tình người vươn ra khỏi lãnh thổ, khi xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai, Kon Tum, Việt Nam) lên kế hoạch sang nước bạn giúp xã Nhang (huyện Andoung Meas, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) khắc phục lũ cùng đợt, đổ xuống 2 nước.
Cứu người
Tây Nguyên, đã 3 tháng mưa không dứt. Nước đổ liên hồi sau những trận mưa lớn, ngày này sang ngày khác. Để vào trung tâm xã, từ Gia Lai, chúng tôi xuyên tỉnh lộ 664 (huyện Ia Grai) rồi vòng qua cầu trên sông Sê San, nơi có thủy điện Sê San 4 đang xả lũ 6 cửa vì lượng nước dồn về quá lớn. Mưa xối xả, trắng trời, kéo từ Gia Lai sang đến tận Kon Tum.
Con đường nhựa vào xã Ia Đal bị mưa lột từng mảng lớn, nham nhở, bong tróc. Đến trung tâm xã, đất đỏ bazan nhão nhẹt, sình lầy. Chiếc xe liên tục chao nghiêng, xoay vòng. Xã Ia Đal tơi tả hiện ra sau trận cuồng phong của lũ quét. Cây cối ngã rạp, nhà cửa bị giật sập, tivi, tủ lạnh, máy nổ... trôi theo nước.
Người người phờ phạc, rúm ró vì chạy lũ. Hàng chục ngàn khối đất đá trên núi sạt xuống lấp cả đường công vụ, đường tuần tra biên giới. Một trận lũ mà nói như Chủ tịch xã Ia Đal - Ngụy Đình Phúc là: “Lần tiên xuất hiện lũ trên núi và sau 3 ngày lũ, không ai hiểu nguyên nhân vì sao”.
Đứng bên căn nhà đổ nát, chỉ còn là nền gạch trống không, bà Hà Thị Liệt (48 tuổi, trú thôn 4, xã Ia Đal) - bần thần: “Nước ở đâu đổ về, căn nhà rung lắc dữ dội rồi ngả nghiêng. Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, gà, vịt trôi hết. 5 con người trong 1 gia đình chúng tôi phải dắt díu lên nhà chú Hùng (hàng xóm) lánh nạn”.
Bà Liệt quê vùng núi huyện Bá Thước, Thanh Hóa cùng con trai, con dâu vào xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai, Kon Tum) xây dựng kinh tế, dựng nhà được hơn 1 năm thì lũ ngày 9.8 giật sập. “Nước rút, bộ đội và chính quyền xã vào hỗ trợ gạo, mắm muối, nước sạch. Hai ngày sau (ngày 11.8), xã bố trí đất, cử người dựng nhà, lợp tôn, 5 ngày nữa là vào ở ổn định rồi,” - bà Liệt nói.
Khi chúng tôi vào thôn 4 (xã Ia Đal), anh Nguyễn Ngọc Hữu đang trú tạm trong hội trường thôn. Nhà anh phải bỏ vì ngập ngụa trong bùn. Anh đang tháo dỡ máy nổ, tivi, tủ lạnh xem còn sử dụng được không khi tất cả đã ngấm nước. “Hỏng hết cả “, anh thở dài. Anh thoát chết trong gang tấc, khi lũ quét nhấn chìm cả căn nhà. Nước lên quá nhanh.
Đang dọn vật dụng (chăn màn, tủ kệ...), anh cảm nhận được nước dâng từng centimet ở thân người, chúng nhích lên rõ rệt. Kéo vợ và 2 con nhỏ lên đồi cao su tránh lũ, anh quay trở lại dời vật dụng lên cao thì bị mắc kẹt. Từ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình vào Ia Đal từ năm 2014, anh Hữu không nghĩ vùng núi này lại có lũ.
“Lúc ấy, nước ngập gần đến nóc nhà. Đạp vội vào tấm ván ở nóc, kêu cứu. Nước gào thét đổ về, ở suốt 1 đêm, sáng hôm sau thì xã đội phó Lò Đức Thành bơi vào tiếp tế mì tôm, giải cứu,” - anh Hữu kể.
Nhận lệnh từ Ban Chỉ huy quân sự xã Ia Đal, Lò Đức Thành khoác vội áo phao, bơi khoảng 100m lao ra dòng nước, leo lên mái nhà giữ lấy tay anh Hữu. Nước lũ đang chảy siết. Thành nói, lúc ấy, chẳng nghĩ ngợi được gì, thấy anh Hữu kêu cứu thì bơi đến. Cùng bơi với Thành, còn có Phạm Văn Khải - dân quân xã Ia Đal.
“Cũng không sợ hãi gì, lúc đó không còn chỗ để suy nghĩ này kia, chỉ biết bơi ra đưa anh Hữu vào bờ,” - Lò Đức Thành nói.
Dựng nhà
Trong 2 ngày 8 - 9.8, lũ tràn về. Ngày 10.8, lũ rút cũng là lúc xã Ia Đal tốc lực di dời 14 căn nhà ở ven suối lên điểm cao để tránh sạt lở và các đợt lũ quét tiếp theo. Quỹ đất sẵn có của xã, 14 lô mới được san nền trong chớp mắt. Lúc này, lực lượng dân quân tự vệ, xã đội và huyện đội được huy động tối đa. Dời đến đâu, lắp nhà ngay đến đó. Có thời điểm, lực lượng huy động đến 200 người, chia ra các nhóm, hỗ trợ người dân dựng nhà mới.
Phó huyện Đội trưởng Ia H’Drai - trung tá Nguyễn Đình Hải - ngắn gọn: “Lực lượng huy động tại chỗ, tốc lực và phải nhanh để người dân ổn định cuộc sống”. Công tác dựng nhà cũng không mấy thuận lợi, mưa tiên tiếp dội xuống, tiến độ bị kéo giản rất nhiều. “Đã là quân đội, trong tình cảnh này, không ai nghĩ chuyện trú mưa, phải mặc áo mưa, để dựng nhà cho dân,” - trung tá Hải kiên định.
Tại lô đất của anh Phạm Ngọc Giáp (SN 1974, xã Ia Đal), chỉ trong buổi sáng, bộ khung của căn nhà đã được đại đội 186 (huyện đội Ia H’Drai) dựng lên. Chiều lợp tôn, đóng ván, ngày sau lát nền, gia chủ có thể vào ở được.
Anh Giáp vui mừng: “Có nhà, sinh hoạt tất sẽ ổn định. Không có bộ đội thì mọi việc sẽ kéo dài và vất vả hơn nhiều”. Anh nói thêm, trước đó, khi lũ vừa rút, chăn màn, nhu yếu phẩm được bộ đội và xã Ia Đal đến tận nơi hỗ trợ, kể cả phun thuốc chống dịch. Tất cả mọi việc diễn ra rất nhanh và suôn sẻ.
Anh Hà Văn Chia đứng cạnh căn nhà đã hoàn thành, chờ khô nền là cùng vợ và con vào ở. “Tôi không nghĩ 3 ngày là có nhà mới. Mọi thứ diễn ra rất gọn, rất nhanh. Gạo, mắm, muối, màn chống muỗi đã có xã lo, nhà được bộ đội dựng giúp, không có chính quyền, chúng tôi không biết xoay sở thế nào,” - anh Chia xúc động.
Theo trung tá Nguyễn Đình Hải, từ lúc dời đến lúc dựng xong nhà chỉ mất 5 ngày. Có những căn, gỗ và ván đã mục thì chính quyền xã vận động người dân san sẻ, tương trợ. Dù xã nghèo nhưng người dân đùm bọc và rất đoàn kết. UBND xã Ia Đal còn vận động được các DN hỗ trợ 100 tấm tôn, 10 tấm xi măng; Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 cũng hỗ trợ 100 tấm tôn, 10 tấn xi măng và 20 suất quà (gạo, mắm, muối). Trong hoạn nạn, mọi thứ xích lại gần nhau, ấm áp.
Chiều 14.8, thiệt hại được Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc thống kê sơ bộ: 25 căn nhà bị ngập nặng, 17 căn nhà phải di dời khẩn cấp, 210 ao cá mất trắng, khoảng 45 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp hư hại; 1.200 con gia cầm cùng hơn 4.000 chén mủ caosu bị lũ cuốn phăng... Thiệt hại nhà cửa, vật dụng chưa kể, tính ra con số ngót nghét hàng tỉ đồng.
Cấp bách
Chủ tịch huyện Ia H’Drai - Nguyễn Hữu Thạch nói với tôi rằng, 2 vấn đề thiết yếu của chính quyền bây giờ là “nước sạch” và đối phó “dịch bệnh”. Lượng bùn khổng lồ trên núi đổ xuống đỏ quạch, hòa vào phần lớn con suối của xã. Người dân quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. Lũ rút, chính quyền khẩn cấp đưa nước sạch vào từng nhà chống khát.
“Về lâu dài, huyện cũng đang lo, gần như toàn bộ nguồn nước đã ô nhiễm,”- ông Thạch ưu tư. Tuy vậy, ông khẳng khái, không biết bằng cách gì nhưng không thể để dân thiếu nước. Cấp bách quá, từ huyện đưa từng bồn nước vào cho dân dùng tạm, về lâu dài khoan giếng.
Đã xuất hiện rải rác số người bị sốt sau lũ. Không để dịch bệnh bùng phát, huyện đội trước đó và sau là UBND huyện Ia H’Drai cấp tốc đưa cán bộ vào phát thuốc, khám chữa bệnh cho bà con. Vấn đề khác đáng lưu tâm đó là, đất đá ở trên núi tiếp tục sạt lở nặng. Hệ thống đường tuần tra biên giới bị chia cắt, chưa thể thông tuyến.
Chủ tịch xã Ia Đal - Ngụy Đình Phúc - cho hay: Toàn bộ núi đã no nước, không thể thẩm thấu được nữa, biên phòng thuê Cty Nguyên Minh (Kon Tum) san gạt, nhưng việc sạt lở vẫn tái diễn. “Đường chưa thông, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ biên giới,”- ông Phúc lo lắng.
Ông nói, chính việc mưa liên tiếp nhiều tháng nay, nước ở núi tràn xuống đã gây lũ quét, lũ ống ở huyện Ia H’Drai mà xã Ia Đal là trung tâm vùng ngập. Bên này núi của Việt Nam, phía bên kia núi, nước bạn Campuchia cũng ảnh hưởng nặng nề do lũ tràn xuống.
Trong các bản ghi nhớ hợp tác tuần tra, bảo vệ biên giới, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, xã Ia Đal cũng đang xúc tiến kế hoạch sang hỗ trợ xã Nhang (huyện Andoung Meas, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) giải phóng đường, dựng nhà, hỗ trợ thuốc men, gạo...
Bùi Hữu Thống - công nhân caosu ở huyện Ia H’Drai - lại gọi điện thông báo cho tôi: “Chỗ em giáp ranh xã Ia Đal và xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) nước lại dâng ngập, cô lập, đất đai trên núi sạt lở 4-5 điểm”.
Thiên tai chực chờ đe dọa trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên. Dù chủ động, kiên cường nhưng trước thịnh nộ của bão lũ, và nhất là lũ lạ, thì 1 mình Ia H’Drai khó nói trước điều gì, nếu tỉnh Kon Tum không đặt thiên tai vào mức báo động và ứng phó là biện pháp cấp bách.
Đình Văn (LĐO)